Vũ khí không gây chết người

Mỹ đang phát triển các loại vũ khí "không gây chết người" ("non-lethal"). Loại vũ khí này chủ yếu dành cho cảnh sát trong việc gìn giữ an ninh trật tự xã hội. Dư luận lo ngại, chúng vẫn có thể gây chết người.

Viện Tư pháp quốc gia (NIJ) thuộc Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đang tài trợ cho cuộc nghiên cứu về ba loại vũ khí “ít nguy hiểm” để trang bị cho lực lượng cảnh sát quốc gia để hạ gục những kẻ tình nghi và kiểm soát đám đông.

Về lý thuyết thì những loại vũ khí này ít nguy hiểm hơn cho những đối tượng cần trấn áp cũng như khách qua đường so với những loại vũ khí hiện nay, như hơi cay hay đạn cao su. Nhưng điều bí mật nằm ở chỗ những người ngoài cuộc không thể nào nhận biết được những vũ khí mới này nguy hiểm thật sự hay “ít nguy hiểm” như tên gọi của nó.

"Non-Lethal" - Vũ khí không gây chết người!

Trong một văn bản cung cấp cho tờ New Scientist, NIJ đã mô tả có giới hạn về cả 3 loại vũ khí mới này.

Loại thứ nhất được phát triển bởi công ty Raytheon ở Palo Alto, California, và dường như xuất phát từ công nghệ tương tự như công nghệ chế tạo “Hệ thống vũ khí năng lượng định hướng không nguy hiểm - ADS" mà Raytheon đã thiết kế cho Hải quân Mỹ năm 2001.

Loại súng có nguồn gốc từ quân đội này được chế tạo để làm nóng da bằng tia sóng cực ngắn 95 gigahertz. Với tầm bắn xa 600 mét, nó gây đau dữ dội nhưng, theo Raytheon, không làm cho người bị bắn bị thương.

Hệ thống vũ khí năng lượng định hướng không nguy hiểm (ADS) của quân đội Mỹ (Ảnh: ABC)

NIJ đã ký hợp đồng với công ty này để chế tạo mẫu súng như thế để cảnh sát sử dụng, vì đó là loại súng có tính cơ động cao, sử dụng ít năng lượng và có tầm bắn ngắn hơn.

Loại thứ hai được NIJ mô tả là “loại súng sử dụng nhiệt cơ động đầu tiên thuộc loại này”. Nó sử dụng tia laser bán dẫn để “bảo vệ lực lượng, chế ngự đám đông và ngăn chặn sự xâm nhập”.

Mặc dù Phòng thí nghiệm nghiên cứu không quân ở Kirtland, New Mexico, đã hợp đồng để sản xuất hệ thống thử nghiệm loại vũ khí này, nhưng hiện vẫn chưa có loại vũ khí như thế được sản xuất, dù là dành cho mục đích quân sự hay mục đích khác. Do đó, tác dụng và hiệu quả của loại vũ khí này chỉ được dư luận phỏng đoán mà thôi.

Những manh mối sâu xa hơn về đặc điểm của hai loại vũ khí nói trên có thể được nhận thấy đôi chút từ một báo cáo của bộ phận nghiên cứu của NIJ vào tháng 11 năm 2004. Trong báo cáo này, chuyên gia Joe Cecconi của NIJ đã mô tả một mẫu vũ khí năng lượng định hướng có kích thước như súng ngắn, có khả năng tạo sức nóng cường độ cao trong một phạm vi tiếp xúc có đường kính 15 cm. Loại vũ khí này có tầm bắn 16 mét, có ổ đạn 12 viên, và tốc độ mỗi viên bắn ra không tới 1 giây.

NIJ không xác nhận mà cũng không phủ nhận đây có phải là loại vũ khí sử dụng nhiệt hay tần số radio để nhận biết mục tiêu hay không.

Loại thứ ba mà NIJ đặt sản xuất là loại vũ khí ít nguy hiểm, sử dụng tia laser, có khả năng gây nổ “lựu đạn mù plasma” (plasma flash bang) tại điểm tiếp xúc, làm nạn nhân bị choáng váng và mất phương hướng hoàn toàn.

Loại này tương tự như Hệ thống phóng xung năng lượng (Pulsed Energy Projectile System) đã được chế tạo cho Hải quân Mỹ. Hệ thống này sử dụng laser hóa học và cân nặng khoảng 200 kg. NIJ đã ủy nhiệm Công ty Sterling Photonics ở Albuquerque, New Mexico, sản xuất một “bệ phóng công nghệ” sử dụng năng lượng điện và tiện dụng như là một phiên bản của hệ thống này để trang bị cho cảnh sát.

Dư luận đòi hỏi công khai thông tin

“Lựu đạn mù” (flash bang) XM84 của Mỹ (Ảnh: Big-ordnance.com)

Tất cả 3 chương trình nghiên cứu này có thời hạn hoàn thành là tháng 9/2007. Nhưng những thông tin do NIJ cung cấp có quá ít chi tiết về những yếu tố như độ dài sóng và mức năng lượng đến nỗi người ta không thể đánh giá được những loại vũ khí mới này an toàn như thế nào.

Hiện không có thông tin được phổ biến công khai về các tác dụng của vũ khí ADS hay “lựu đạn mù plasma”.

Bởi vì chưa có loại vũ khí năng lượng định hướng ít nguy hiểm nào được các cơ quan có thẩm quyền cho phép sử dụng, nên người ta chỉ có thể so sánh chúng với các loại vũ khí gây sốc điện của cảnh sát, trong đó nổi tiếng nhất là Taser.

Taser là loại vũ khí này ra đời trong thập niên 70 và trở nên phổ biến tại Hoa Kỳ trong thập niên 90. Gần đây, các nhà phê bình cáo buộc rằng Taser đã gây ra cái chết của nhiều người tình nghi và loại vũ khí này rất dễ bị lạm dụng. Những cảnh báo này dấy lên mối lo ngại rằng sự ra đời của những loại vũ khí mới sẽ làm tái diễn những trường hợp tương tự.

Ông Neil Davison, thuộc Dự án Nghiên cứu Vũ khí Không nguy hiểm Bradford của trường Đại học Bradford (Anh), cho rằng những thông tin chi tiết hơn về những loại vũ khí này phải được phổ biến công khai.

Ông nói: “Giới sản xuất vũ khí không nguy hiểm cứ luôn phàn nàn về tình trạng bị chỉ trích trên báo chí. Nhưng nếu không có thông tin rõ ràng về việc loại vũ khí gì đang được phát triển và ảnh hưởng của chúng đối với con người như thế nào, thì tất nhiên mọi người phải nghi ngờ thôi”.

Theo ông, sau khi được sử dụng, những loại vũ khí này không để lại dấu vết gì có thể nhận dạng được, thì khi có sự lạm dụng vũ khí xảy ra, người bị tấn công lấy gì để chứng minh rằng mình là nạn nhân?

Ông cũng lưu ý rằng từ lâu đã có dư luận về việc tăng hay giảm năng lượng đầu ra của những loại vũ khí này. Ông cảnh báo: “Một số trong đó có thể là vũ khí nguy hiểm”.

Về vấn đế này, tạp chí Jane’s Police and Security Equipment nói: “Có ít khả năng những loại vũ khí mới này được triển khai để sử dụng trong thực tế, khi chúng chưa được chứng minh là an toàn hơn những loại vũ khí hiện nay – như dùi cui, Taser và súng hơi cay”.

Taser gây nhiều tranh cãi

Taser đang nhanh chóng trở thành loại vũ khí không nguy hiểm được cảnh sát ở Mỹ và Anh chọn để sử dụng, bất chấp những mối quan ngại đang lan rộng về tính an toàn của nó.

Loại vũ khí cầm tay này bắn ra 2 chiếc ngạnh được nối bằng dây điện với nguồn năng lượng có khả năng tạo ra sốc điện tại điểm tiếp xúc với cường độ lên đến 50.000 volt. Một người bị tấn công bằng súng này sẽ mất hoàn toàn khả năng kiểm soát cơ bắp và ngã quỵ ngay lập tức.

Taser - loại vũ khí gây sốc điện mà cảnh sát Mỹ và Anh đang sử dụng. (Ảnh: CBC News)

Nhiều sĩ quan cảnh sát đã hoan nghênh loại súng này như là một sự thay thế cho các loại súng ngắn nguy hiểm. Nhưng trong tháng 5 vừa qua, Tổ chức Ân xá Quốc tế đã nói rằng họ đã thống kê được 103 trường hợp trong đó người bị bắn bằng Taser đã tử vong sau đó.

Tổ chức Ân xá Quốc tế đã kêu gọi thực hiện “một nghiên cứu y học toàn diện và độc lập” về tính an toàn của Taser. Theo tổ chức này, say ma túy, có bệnh tim v.v… là những nguy cơ nghiêm trọng dẫn đến tử vong ở những người bị tấn công bằng Taser.

Trong khi đó, Công ty Taser International, ở Arizona – đơn vị chế tạo Taser – nói rằng những thử nghiệm về Taser và việc sử dụng Taser trong thực tế cho thấy loại vũ khí này an toàn.

Những dự định thử nghiệm về ảnh hưởng của cú sốcTaser đối với tim của heo bị gây mê đã bị các nhóm bảo vệ quyền động vật chỉ trích mạnh mẽ. Họ xem đó là một hành động tàn ác, và kết quả thử nghiệm như thế không thể được xem là tiêu biểu cho những ảnh hưởng thực tế đối với con người.

Quang Thịnh

Theo New Scientist, VietNamNet
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video