Vụ kiện blog sex chưa từng có ở Washington

Khi Robert Steinbuch phát hiện ra cô bạn gái của mình đã tả lại những chi tiết “quá mức thân mật” trong cuộc tình vụng trộm của hai người trên blog của cô ta, chàng nhân viên của Capitol Hill (Quốc hội Mỹ) này đã không chỉ phát điên lên, mà còn mời một luật sư để quyết định “làm cho ra nhẽ” mọi sự.

Dẫu vậy, cũng giống như rất nhiều vụ xì căng đan khác, chẳng mấy chốc tin tức về câu chuyện “tình tang” giữa hai phụ tá tại Thượng Viện Mỹ cũng đã lan truyền suốt từ trang nhất các tờ báo cho tới những trang tán gẫu lá cải. Ai cũng biết việc Steinbuch đã nhận lời tới giảng dạy ở Arkansas, để lại sau lưng Washington và trang web blog “Washingtoniene” của cô người tình Jessica Cutler ở lại.

Thường thì tốc độ lan truyền của những vụ việc như thế bao giờ cũng tỉ lệ nghịch với thời gian khởi tố những tố tụng có liên quan. Vụ việc xảy ra với Steinbuch không chỉ liên quan tới một blog đầy rắc rối bị cáo buộc về khía cạnh tình dục, mà còn hướng tới một phiên toà phức tạp hơn rất nhiều.

Gạt ra ngoài những liên quan về chuyện án phạt, bằng chứng, vụ kiện ở Washington còn giúp người ta định hình trong việc giải quyết vấn đề, những người có blog (hay nhật ký điện tử) có buộc phải giữ bí mật cá nhân của những người họ có quan hệ trong đời sống thực hay không?

Jessica Cutler chụp ảnh bên ngoài toà nhà Quốc hội Mỹ. Ảnh: kellyanncollins.com.

Cô Cutler, người tình của Steinbuch cũng là một cựu trợ thủ cho Thượng nghị sĩ Mike DeWine, R-Ohio. Cô này cho biết, năm 2004, cô lập ra blog để tiện liên lạc với vài người bạn. Bắt chước cách giễu cợt đầy hài hước về tình dục như trong vở kịch “Sex and the City”, Cutler cũng kể lại trong blog của mình những chuyện giật gân và các tình huống giở khóc giở cười khi phải “lắt léo” trong quan hệ chăn gối với... sáu người đàn ông cùng một lúc.

Một trong số 6 người đó chính là Steinbuch, cố vấn của DeWine thuộc Uỷ ban tư pháp. Cutler gọi anh ta là “người yêu thích hiện tại” và cho biết, anh ta cũng giống như George Clooney ở một số “thói quen” khi làm chuyện ấy. Cutler viết: “Anh ta (Steinbuch) rất dung tục trong chuyện đó. Anh ta thường thích nói những lời dâm ô, tục tĩu, anh ta bảo với tôi rằng anh ta thích loại đàn bà dễ sai bảo”.

Và đến khi Ana Marie Cox, biên tập viên trang web tán gẫu Wonkette.com “vớ” được những dòng ấy, cô lập tức tạo một đường link từ website của mình tới blog của Cutler, lúc này thì câu chuyện đã loang ra không thể kiểm soát được nữa. Cutler thì tỏ ra phấn khởi còn Steinbuch cho rằng, anh đã bị làm bẽ mặt trước công chúng. Steinbuch đâm đơn ra toà đòi Cutler phải bồi thường danh dự cho mình là 20 triệu USD.

Vụ kiện vô hình chung trở thành một trong những vấn đề gai góc chưa từng thấy khi mà cả bên nguyên và bên bị đều muốn khai thác những thông tin cá nhân của phía bên kia. Steinbuch thì muốn biết Cutler được trả bao nhiêu tiền từ phía gã đàn ông mà cô ta gọi là “người cha ngọt ngào”. Còn Cutler lại muốn biết ý kiến của giới sinh viên tại trường Luật Little Rock ở Arkansas, ngôi trường mà Steinbuch đang giảng dạy.

Mới đây, Steinbuch còn bổ sung thêm biên tập viên Cox vào danh sách bị cáo. Ngày khởi tố phiên toà vẫn chưa được quyết định, nhưng theo luật sư Matthew Billips của Cutler thì sẽ không có bất cứ cuộc đàm phán nào có thể giúp thoái thác được lần đối chất này. Luật sư Billips nói: “Tôi không biết ông ấy muốn gì. Ông ấy chẳng bao giờ nói gì cả. Đây là những điều tôi nghĩ là nên làm”.

Cả Steinbuch lẫn luật sư của ông đều từ chối không trả lời điện thoại đề nghị cho biết ý kiến. Trước toà, luật sư của Steinbuch, ông Jonathan Rosen cho biết, ông Steinbuch muốn được khôi phục thanh danh. Thực tế là tất cả các sinh viên trong lớp đạo đức luật pháp do ông này phụ trách ở Ankarsas đều đã tìm kiếm trên Internet để biết thông tin về cái blog tai tiếng kia. Luật sư Rosen kết luận: “Đó không phải là trò đùa nữa mà là sự phá hoại. Nó thật đáng sợ, đáng kinh khiếp”.

Để giành được thắng lợi trong vụ kiện này, Steinbuch buộc phải chứng minh được những tình tiết trong mối quan hệ "phòng the" giữa ông này và cô Cutler là hoàn toàn riêng tư, và việc công khai chúng là hành động mang tính xúc phạm nặng nề. Luật sư của Cutler biện bạch, cô này chưa từng có ý công khai blog, nhưng trong thời đại thông tin như hiện nay, việc dữ liệu bị sao chép và phân phát ngoài ý muốn của chủ nhân cũng không có gì khó hiểu.

Nếu vụ kiện này được đưa ra xét xử, kết quả của nó hẳn sẽ rất quan trọng, không chỉ với những người có liên quan mà còn với dân blogger, cũng như những người có thói quen ghi chép nhật ký đời sống của mình lên các trang web xã hội kiểu như MySpace hay Facebook.

Ông Marc Rotenberg, giám đốc Trung tâm thông tin cá nhân điện tử cho rằng, có thể ông sẽ đưa vụ kiện Washington này vào nội dung giảng dạy trong lớp học của ông mùa xuân tới tại trường luật Georgetown. Ông nói: “Bất cứ ai muốn tiết lộ đời sống riêng tư của mình đều có quyền làm việc đó. Nhưng sẽ là vấn đề khác hẳn nếu như anh muốn phơi bày chuyện riêng của ai khác”.

Cũng theo ông Rotenberg thì một cuốn nhật ký hiện nay không còn được hiểu đơn giản theo cách truyền thống là cuốn sổ bìa da dưới gối nữa, bởi đó còn là một trang web điện tử mà hàng triệu người có thể đọc được. Tuy nhiên, ông Rotenberg cũng tỏ ý nghi ngờ liệu Cutler có lén quay video cảnh tình tự của hai người rồi bán đi những video đó mà không được Steinbuch cho phép hay không.

Sau vụ việc đầy phấn khích này, Cutler đã trở lại New York và viết một tiểu thuyết dựa trên những tình tiết của vụ scandal do chính mình tạo ra. Cô này còn gửi cả những tấm ảnh nude của mình cho tạp chí Playboy và xây dựng một website thu thập tiền tài trợ. Cutler không đả động gì tới vụ kiện nhưng cho biết cô rất ngạc nhiên trước những chuyện vừa xảy ra.

Quan toà Friedman cũng tỏ ra hết sức kinh ngạc. Hồi tháng tư năm ngoái ông đã nói với luật sư của cả hai phía: “Tôi không hiểu tại sao chúng ta lại có mặt trong phiên toà này. Tôi không rõ điều gì khiến cho anh chàng bên nguyên nghĩ rằng việc khởi tố vụ kiện là thông minh khi phải phơi bày toàn bộ những tình tiết riêng tư, nhạy cảm của mình”.

Còn Lanny Davis, cựu cố vấn đặc biệt của tổng thống Clinton, cũng là người tham gia tư vấn cho các công ty luật trong suốt thời gian xảy ra sự vụ, đã khuyên các khách hàng của mình nên quyết định xem họ cần công bằng thực sự hay chỉ đơn giản là muốn “nổi tiếng”.

Ông Davis nói: “Nếu các bạn tìm lẽ công bằng thì hệ thống pháp luật là cái duy nhất bạn cần, còn nếu bạn muốn trở thành tâm điểm của những cuộc chuyện trò, tán gẫu thì toà án chính là một “diễn đàn” tồi tệ nhất”.

Đỗ Dương

Theo Seattletimes, VietNamNet
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video