Vụ phun trào núi lửa mạnh nhất trong hơn 100 năm

Vụ phun trào núi lửa dưới biển ở Tonga năm 2022 tạo ra siêu sóng thần và giải phóng năng lượng tương đương 20 triệu tấn thuốc nổ TNT.


Mô phỏng sự lan rộng của sóng thần tại Tonga. (Video: Steven N. Ward/Đại học California Santa Cruz).

Theo nghiên cứu mới của nhóm nhà khoa học tại Trường Khoa học Trái Đất, Khí quyển và Biển Rosenstiel thuộc Đại học Miami và Tổ chức Khaled bin Sultan Living Oceans (KSLOF), vụ phun trào núi lửa dưới biển ở Tonga năm 2022 mạnh hơn vụ nổ hạt nhân lớn nhất của Mỹ, Phys hôm 15/4 đưa tin. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Science Advances.

Quá trình phun trào của núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai (HTHH) giải phóng năng lượng tương đương 20 triệu tấn thuốc nổ TNT trong 5 vụ nổ, vụ mạnh nhất là 15 triệu tấn. Mức độ này vẫn xếp sau Tsar Bomba, quả bom hạt nhân lớn nhất từng được thử nghiệm, nhưng vượt xa quả bom hạt nhân lớn nhất của Mỹ - B83 với sức mạnh tương đương 1,2 triệu tấn thuốc nổ TNT. Thảm họa năm 2022 cũng mạnh hơn vụ phun trào núi lửa Pinatubo năm 1991, giữ kỷ lục là vụ phun trào núi lửa lớn nhất kể từ năm 1912.

Vụ phun trào bùng nổ của HTHH năm 2022 đã tạo ra siêu sóng thần với những con sóng cao tới 45 m dọc theo bờ biển đảo Tofua và sóng cao 17m tại Tongatapu - đảo đông dân nhất của Tonga.

Trong nghiên cứu mới, nhóm chuyên gia sử dụng kết hợp hình ảnh vệ tinh, bản đồ drone, những quan sát thực địa do các nhà khoa học tại Đại học Auckland thu thập và dữ liệu từ Chương trình Thám hiểm Rạn san hô Toàn cầu của (KSLOF) để tạo nên bản mô phỏng sóng thần ở Tonga. Kết quả cho thấy địa hình phức tạp của khu vực đóng vai trò như một chiếc bẫy sóng tốc độ thấp, tạo ra đợt sóng thần kéo dài hơn một tiếng với những con sóng cao tới 85 m khoảng một phút sau vụ nổ ban đầu.


Vụ phun trào núi lửa này giải phóng năng lượng tương đương 20 triệu tấn thuốc nổ TNT.

Vụ phun trào núi lửa ngầm HTHH có thể so sánh với vụ phun trào Krakatau năm 1883 khiến hơn 36.000 người thiệt mạng. "Dù có quy mô lớn và thời gian kéo dài, siêu sóng thần HTHH lấy đi rất ít mạng sống. Theo chúng tôi, những yếu tố chính dẫn đến điều này là địa điểm khác lạ, Covid-19 hoành hành (khiến lượng khách du lịch giảm), các cuộc diễn tập sơ tán và các nỗ lực nâng cao nhận thức tăng lên ở Tonga trong những năm trước vụ phun trào", giáo sư Sam Purkis, chủ tịch Khoa Khoa học Địa chất Biển thuộc Trường Rosenstiel, giải thích.

Bản mô phỏng cũng chỉ ra, vị trí điểm phun trào so với các trung tâm đô thị góp phần làm giảm hậu quả. Chỉ 6 trường hợp tử vong trực tiếp được xác nhận từ thảm họa HTHH.

"Sự kiện năm 2022 có thể là một cuộc thoát nạn may mắn, nhưng các núi lửa ngầm khác có khả năng tạo ra những đợt sóng thần trong tương lai với quy mô tương tự", Purkis cho biết.

"Vụ phun trào mang lại nhiều bài học quan trọng liên quan đến những đợt sóng thần, cả trong quá khứ lẫn tương lai, tại Tonga cũng như các nơi khác. Vụ phun trào là 'phòng thí nghiệm tự nhiên' tuyệt vời để kiểm tra các giả thuyết và mô hình có thể triển khai ở những nơi khác, giúp chuẩn bị tốt hơn cho các thảm họa trong tương lai, hiểu rõ hơn về những vụ phun trào và sóng thần tương tự", ông nói thêm.

Cập nhật: 30/04/2023 VNE
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video