Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra những điều kiện thuận lợi để sự sống có thể xuất hiện, tồn tại, và phát triển ở một hành tinh nào đó phù hợp. Tuy nhiên, chúng ta lại gần như chưa bao giờ kiểm chứng được sự tồn tại của những sinh vật ngoài hành tinh. Vì sao vậy?
Theo Independent, một nghiên cứu mới cho biết, vũ trụ là nơi "thiếu thốn" phốt pho – là chất được biết đến với vai trò vô cùng cần thiết cho sự sống. Nó giúp chúng ta lưu trữ và truyền năng lượng khắp cơ thể, và hình thành nên nền tảng DNA.
Nghiên cứu cũng cho rằng sở dĩ chúng ta có đủ phốt pho trên Trái đất bởi vì hành tinh của chúng ta đủ gần với một siêu tân tinh (là một số loại vụ nổ của sao tạo nên các vật thể rất sáng chủ yếu gồm plasma bùng lên trong một thời gian ngắn, cấp sao biểu kiến tăng lên đột ngột hàng tỉ lần, rồi giảm dần trong vài tuần hay vài tháng – theo Wikipedia). Phốt pho được hình thành khi các ngôi sao phát nổ vào cuối vòng đời của chúng. Tuy nhiên, không phải siêu tân tinh nào cũng ở trong điều kiện thích hợp để tạo ra phốt pho như vậy.
Trái đất có vẻ là một hành tinh may mắn, vì nó ở gần vừa đủ với loại siêu tân tinh có thể tạo ra phốt pho.
Phốt pho được hình thành khi các ngôi sao phát nổ vào cuối vòng đời của chúng. (Ảnh minh họa).
Nhà thiên văn học Jane Greaves, từ Đại học Cardiff cho biết: "Con đường đưa phốt pho đến với một hành tinh "sơ sinh" có vẻ khá bấp bênh. Chúng tôi nghĩ rằng chỉ có một chút khoáng vật chứa phốt pho được đưa tới Trái Đất – có thể nằm trong thiên thạch – và từng đó đủ để phản ứng & tham gia vào quá trình tạo các phân tử sinh học proto".
"Nếu phốt pho có nguồn gốc từ siêu tân tinh, và sau đó di chuyển qua không gian trong các tảng thiên thạch, tôi tự hỏi một hành tinh nhỏ có thể tự nhận biết được nó đang bị thiếu phốt pho dựa vào vị trí của mình hay không? Nó có phải đã được sinh ra gần với loại siêu tân tinh không đủ điều kiện để tạo ra phốt pho? Trong trường hợp đó, cuộc sống sẽ khó mà bắt đầu được khi thiếu phốt pho, và một thế giới khác sẽ khó mà tồn tại nếu không có các điều kiện tương tự như Trái đất của chúng ta" – ông nói thêm.
Bằng chứng của nghiên cứu này xuất phát từ các quan sát về hai "tàn dư" siêu tân tinh nổi tiếng – Cassiopeia A (Chòm sao Thiên hậu) và Tinh vân Con Cua (một tinh vân gió sao xung trong chòm sao Kim Ngưu, đồng thời là tàn tích của siêu tân tinh Thiên Quan khách tinh SN 1054). Nhóm nghiên cứu đã sử dụng kính viễn vọng William Herschel của Anh ở La Palma, quần đảo Canary để tìm kiếm dấu vết của phốt pho và sắt từ Tinh vân Con cua – hậu quả của một vụ nổ siêu tân tinh cách đây 6.500 năm ánh sáng ở chòm sao Kim Ngưu. Và một nghiên cứu trước đó đã tìm ra phốt pho từ chòm sao Thiên hậu, cách xa 11.000 năm ánh sáng.
So sánh kết quả từ hai quan sát cho thấy lượng phốt pho từ Tinh vân Con cua ít hơn so với lượng phốt pho từ Cas A. Đây là một kết quả đáng ngạc nhiên.
Tiến sĩ Phil Cigan - một nhà thiên văn khác ở Cardiff, cho biết: "Hai vụ nổ có vẻ rất khác nhau, có lẽ vì Cas A là kết quả của vụ nổ từ một siêu ngôi sao hiếm có".
Các phát hiện trên được trình bày tại Tuần lễ Thiên văn học và Không gian Châu Âu tại Liverpool. Hiện các nhà khoa học đang có kế hoạch tiếp tục tìm kiếm để tìm ra những tàn dư của siêu tân tinh còn thiếu phốt pho.