Các nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Gia tốc Quốc gia Mỹ (SLAC) tái tạo lại một số sự kiện quan trọng của vũ trụ, giúp chứng minh hoặc bác bỏ nhiều lý thuyết và dự đoán về vũ trụ.
Siegfried Glenzer, người đứng đầu đơn vị nghiên cứu mật độ năng lượng cao, cùng đồng nghiệp tái tạo thành công va chạm của thiên thạch với bề mặt Trái Đất. Do than chì có thể biến thành kim cương dưới áp suất cao, các nhà khoa học dự đoán khi một thiên thạch va chạm với than chì trên mặt đất, nó có thể tạo ra lonsdaleite.
Vũ trụ thu nhỏ trong phòng thí nghiệm. (Ảnh: SLAC).
Bằng cách đặt một sóng xung kích bên trong mẫu graphite và nén lại bằng xung laser cực mạnh, nhóm của Glenzer chuyển than chì thành lonsdaleite, một dạng kim cương đặc biệt cứng hơn kim cương thông thường, chứng minh lý thuyết về va chạm thiên thạch.
Theo Science Alert, các nhà khoa học cũng tái tạo lại sự tồn tại của những hành tinh khí khổng lồ như sao Mộc bằng cách quan sát chuyển pha của hydro lỏng từ trạng thái không dẫn điện ở điều kiện bình thường thành trạng thái dẫn điện ở áp suất và nhiệt độ cao.
Trong thí nghiệm này, Glenzer sử dụng deuterium lỏng, một đồng vị kém bền của hydro, sau đó nhanh chóng làm nóng và nén nó bằng cách sử dụng laser Janus năng lượng cao. Với áp suất trên 250.000 atm và nhiệt độ hơn 3.800 độ C, các nhà khoa học nhận thấy deuterium chuyển sang trạng thái dẫn điện như kim loại.
"Nắm bắt được quá trình này giúp con người hiểu hơn về sự hình thành các hành tinh và quá trình tiến hóa của hệ Mặt Trời", Glenzer nói. Tại SLAC, các nhà nghiên cứu tiến hành nhiều thí nghiệm để làm rõ sự hình thành của các hành tinh, ảnh hưởng của sự kiện quan trọng cũng như những quá trình khác trong vũ trụ.