Nhờ có một chiếc kính thiên văn vô tuyến trị giá 50 triệu USD, những nhà thiên văn học giờ đây có thể chiêm ngưỡng không gian dưới cái nhìn của một "siêu nhân".
Những tấm ảnh chụp vũ trụ rực rỡ mà bạn thấy thường xuyên trên các tạp chí chỉ là một sản phẩm đã được chuyển đổi bằng máy tính. Có khoảng 300.000 thiên hà mà chúng ta biết được có tần số nằm trong khoảng 70-230 MHz. Và vì thế, chúng hoàn toàn vô hình đối với mắt thường.
"Mắt người có khả năng nhìn thấy bằng cách so sánh độ sáng trong ba màu cơ bản - đỏ, xanh lá cây và xanh dương", theo lời Tiến sĩ Natasha Hurley-Walker, một nhà nghiên cứu làm việc tại Trung tâm Quốc tế đài nghiên cứu thiên văn (ICRAR), Tây Úc. "Trong khi đó, các kính viễn vọng cấp cao có thể so sánh giữa 20 màu cơ bản khác nhau".
Một thế giới mới lạ sẽ mở ra trước mắt bạn. (Nguồn ảnh: NASA).
Các nhà nghiên cứu tại NASA đã cho ra mắt một công cụ có tên là Gleamoscope giúp bạn có thể quan sát được vũ trụ dưới nhiều loại quang phổ điện từ khác nhau. Từ sóng vô tuyến đến vi sóng và các loại bước sóng ánh sáng hồng ngoại tầm xa, bước sóng ánh sáng nhìn thấy được bằng mắt thường, tia X và tia gamma.
"Khảo sát bầu trời với quy mô lớn như thế này mang lại rất nhiều giá trị nghiên cứu. Công cụ này đang được sử dụng vào rất nhiều các lĩnh vực vật lý thiên văn khác nhau", nhà thiên văn học, tiến sĩ Randall Wayth, đồng tác giả của công trình nghiên cứu cho biết.
Khi chúng ta nói về ánh sáng, chúng ta thường liên tưởng đến một dạng vật chất có thể thấy được. Và thực tế còn gọi là "ánh sáng khả kiến". Trong khi đôi mắt chúng ta chỉ có thể thấy được loại ánh sáng bình thường này, thì một số loại máy ảnh đặc biệt có thể tìm và phát hiện ra các ánh sáng khác nữa.
Mọi thứ đều rất kì lạ khi bạn chụp chúng trong điều kiện các loại ánh sáng khác nhau. Ví dụ bạn hãy nhìn vào bức ảnh thiên văn này chụp về thiên hà Centaurus (Bạch Mã). Bức ảnh được tạo thành bởi sự kết hợp của nhiều bức ảnh về thiên hà mà chúng được chụp qua kính thiên văn. Chiếc kính thiên văn đặc biệt này có thể phát hiện được các sóng radio và tia hồng ngoại.
Thiên hà Centaurus dưới hình dạng của sóng radio và sóng hồng ngoại. (Nguồn ảnh: unawe).
Mặc dù các nhà thiên văn học đã ghi lại được hình ảnh của bầu trời đêm ở bước sóng dài nhất – sóng vô tuyến – họ chưa từng tưởng tượng rằng nó sẽ có trường độ và sự chính xác cao đến như vậy cho đến khi chiếc kính thiên văn Murchison Widefield xuất hiện.
Được đặt tại Geraldton ở miền Tây Australia, một trong những thử nghiệm gần đây nhất của nó – được gọi là GaLactic and Extragalactic All-sky MWA (GLEAM) – đã chụp lại được ảnh của không gian ở bước sóng vô tuyến với không chỉ 3 màu sắc cơ bản (đỏ, xanh biển, xanh lá), mà là 20 màu sắc khác nhau.
"Điều này vượt ngoài giới hạn của loài người, nó còn đánh bại cả kỷ lục của thế giới động vật, đó là con bề bề – với khả năng nhìn được 12 màu sắc cơ bản", tiến sĩ Randall Wayth cho biết.
Những nhà thiên văn học nói rằng dữ liệu mới của GLEAM sẽ giúp họ nghiên cứu những vụ va chạm ngoài không gian, lý do những ngôi sao phát nổ và những hố đen khổng lồ.