Vùng dị thường được mệnh danh "Tam giác Bermuda của vũ trụ"

Các phi hành gia bay qua "Tam giác Bermuda của vũ trụ" thường trông thấy chớp sáng trắng chói mắt, kéo theo các máy tính ngừng hoạt động.

"Trước khi trở thành phi hành gia, tôi từng nghe nhiều câu chuyện về phi hành gia trông thấy những chớp sáng màu trắng lóe lên từ bức xạ khi họ bay trong vũ trụ", BBC dẫn lời Terry Virts, cựu phi hành gia NASA. Trong đêm thứ năm của chuyến bay đầu tiên vào vũ trụ, một phi vụ vào năm 2010 trên tàu con thoi Endeavour, Virts vừa đi ngủ. "Tôi nhắm mắt và bùm! Chớp sáng chói mắt ở trước mắt tôi và tôi không nghe thấy bất cứ thứ gì!", Virts chia sẻ.

Trong bối cảnh ngày càng nhiều thương nhân tập trung vào lĩnh vực bay vũ trụ như Elon Musk, chủ tịch công ty SpaceX, họ sẽ phải làm quen với những hiện tượng kỳ lạ này.

Trường hợp Virts chứng kiến nằm trong số những hiện tượng lạ nhất. Đó là "Vùng dị thường Nam Đại Tây Dương" (SAA), nơi thường xuyên có chớp sáng lớn không đi kèm âm thanh nào. Nhưng SAA không phải chỉ là một cảnh tượng lạ lùng. Nó làm nhiễu loạn những máy tính trong phạm vi gần và khiến con người tiếp xúc với lượng bức xạ cao hơn. Do đó, nơi đây được mệnh danh là "Tam giác Bermuda của vũ trụ". Khi những chuyến bay có người lái vào vũ trụ trở nên ngày càng phổ biến hơn và các phi hành gia phụ thuộc nhiều hơn vào máy tính, những thách thức do SAA đặt ra có thể càng lớn hơn.


Vùng dị thường Nam Đại Tây Dương thường được gọi là "Tam giác Bermuda của vũ trụ". (Ảnh minh họa: Daily Galaxy).

Để hiểu rõ SAA, đầu tiên chúng ta cần hiểu về vành đai bức xạ Van Allen. Có hai khu vực hình vành khuyên tập trung những hạt mang điện tích quanh Trái Đất bị cố định bởi từ trường. "Mặt Trời phát ra lượng bức xạ khổng lồ và nhiều hạt như electron bắn ra khỏi bề mặt Mặt Trời. Tất cả số vật liệu này bắn vào không gian và từ trường của Mặt Trời có thể bẻ cong chúng. Khi tới Trái Đất, chúng bị mắc kẹt trong từ trường hành tinh và hình thành những vành đai bức xạ trong vũ trụ", Virts giải thích.

Vành đai Van Allen bảo vệ Trái Đất trước những hạt tích điện mạnh bắn ra từ Mặt Trời. Tuy nhiên, Trái Đất không phải hình tròn hoàn hảo mà hơi phình ở giữa. Các cực từ của Trái Đất cũng không hoàn toàn thẳng hàng với cực địa lý của hành tinh. Do Trái Đất có trục nghiêng, vành đai Van Allen cũng bị nghiêng theo. SAA là nơi vành đai Van Allen ở độ cao thấp nhất và cũng là điểm gần Trái Đất nhất. Do độ nghiêng, từ trường Trái Đất mạnh nhất ở phía bắc, khiến khu vực phía trên Nam Đại Tây Dương và Brazil nằm ngay ở hướng của vành đai Van Allen.

Điều này không gây nguy hiểm cho Trái Đất nhưng có thể làm nhiễu loạn bất kỳ vệ tinh và tàu vũ trụ nào như Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) đi qua khu vực, cũng như ảnh hưởng đến những người trên tàu.

Ngoài những chớp sáng màu trắng mà phi hành gia trông thấy, máy tính của họ cũng chịu tác động. "Đây là một khu vực nổi tiếng, nơi mọi loại vệ tinh khác nhau, không chỉ riêng trạm vũ trụ có người lái, mà cả những vệ tinh liên lạc thông thường, đều có vấn đề. Bạn sẽ muốn vượt qua tình trạng nhanh như khi bay lên Mặt Trăng", Virts chia sẻ.

Ví dụ, kính viễn vọng vũ trụ Hubble, không thể thực hiện các quan sát thiên văn khi bay qua SAA. Theo Virts, nước là lá chắn tốt nhất có thể bảo vệ tàu vũ trụ và phi hành gia trước bức xạ tăng vọt. Trên trạm ISS, các phi hành gia sử dụng một "bức tường nước". "Đó là một loạt túi nước nặng 23kg, dù chúng không được buộc quanh góc ngủ của các phi hành gia", Virts nói.

Bức xạ được theo dõi chặt chẽ trong suốt thời gian diễn ra các phi vụ. "Một vài máy dò bức xạ điện tử chỉ đến lượng bức xạ tác động và truyền dữ liệu về Trái Đất. Mỗi người chúng tôi mang một thiết bị theo dõi bức xạ bên mình trong suốt thời gian ở trong vũ trụ. Tôi để chiếc máy đó trong túi ở cả hai phi vụ. Ngay cả khi đi bộ ngoài không gian, tôi cũng mang nó trong bộ đồ phi hành gia", Virts chia sẻ.

"Khi tiến sâu hơn vào hệ Mặt Trời và xa hơn khỏi Trái Đất, trung tâm kiểm soát phi vụ không thể giúp đỡ chúng tôi kịp thời. Chúng tôi có thể phải đợi vài phút trước khi nhận được hồi đáp. Do đó các máy tính cần được trang bị trí tuệ nhân tạo tốt hơn. Máy tính càng mạnh hơn sẽ càng ít bị ảnh hưởng bởi vấn đề bức xạ hơn. Đó là điều thực sự quan trọng đối với thám hiểm vũ trụ trong tương lai", Virts nhấn mạnh.

Theo Daily Mail, từ trường đóng vai trò quan trọng với sự sống trên Trái đất, vì nó chặn đứng các tia vũ trụ nguy hiểm liên tục tỏa ra từ Mặt trời.


Từ trường là lá chắn bảo vệ các sinh vật sống trên Trái đất.

Một khu vực rộng lớn đang có hiện tượng suy giảm hoạt động từ trường. Các nhà khoa học chỉ ra khu vực này trải dài từ châu Phi đến Nam Phi, gọi là Vùng Dị thường Nam Đại Tây Dương.

Các nhà khoa học dự đoán rằng từ trường suy yếu ở khu vực này là do hai cực của Trái đất có xu hướng đảo chiều. Lần cuối cùng hiện tượng đảo chiều cực từ là cách đây 780.000 năm.

Nếu như vùng tam giác quỷ Bermuda khiến máy bay, tàu thuyền mất tích không dấu vết thì ở vùng dị thường, các vệ tinh và tàu vũ trụ cứ bay qua là gặp trục trặc.

Phát hiện trên mới được Cơ quan Hàng không Vũ trụ châu Âu (ESA) công bố, dựa vào dữ liệu thu thập từ mạng lưới vệ tinh.

Theo các nhà nghiên cứu, từ năm 1970-2020, từ trường ở khu vực Nam Đại Tây Dương đã suy yếu khoảng 10%. Một điểm đáng lo ngại khác là phạm vi từ trường suy yếu đang lan rộng sang phía tây.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu nhận thấy Vùng Dị thường Nam Đại Tây Dương có xu hướng tách làm đôi. Một ở Nam Đại Tây Dương và một vùng tâm khác ở tây nam châu Phi.

Sự biến đổi này không diễn ra trong một sớm một chiều mà xảy ra từ từ trong khoảng hàng trăm năm.

Nhóm nghiên cứu khẳng định tuy vấn đề chưa đến mức báo động, hiện tượng các vệ tinh và tàu vũ trụ di chuyển qua khu vực này gặp trục trặc là rõ ràng.

Cập nhật: 22/07/2020 Theo VNE/infonet
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video