Giới thiên văn quốc tế bối rối khi nhìn thấy một khoảng sáng rực khổng lồ trên những đám mây của sao Kim.
Một nhà thiên văn nghiệp dư tại thành phố Holtsville, bang New York, Mỹ phát hiện vùng sáng vào ngày 19/7. Sau đó tàu Venus Express của Cơ quan Vũ trụ châu Âu cũng xác nhận hiện tượng này. Dữ liệu từ tàu cho thấy vùng sáng xuất hiện ít nhất 4 ngày trước khi nó được phát hiện từ trái đất và có đường kính tối thiểu 10 km. Kể từ đó vùng sáng mở rộng liên tục nhờ các cơn gió trong bầu khí quyển dày đặc của sao Kim.
Vùng sáng trên sao Kim (bên phải) có đường kính tối thiểu 10 km. (Ảnh: BBC) |
Dung nham núi lửa bao phủ tới 90% bề mặt sao Kim. Mặc dù không có bằng chứng chắc chắn về sự phun trào của núi lửa ở trên hành tinh này trong vài thập kỷ gần đây, song các nhà khoa học cho rằng hiện tượng đó vẫn có thể xảy ra trong mọi thời điểm. Tuy nhiên, chỉ những vụ phun trào cực mạnh mới có thể xuyên thủng bầu khí quyển dày đặc và chứa tới 96% khí CO2 của sao Kim.
Nhiều người cho rằng vùng sáng được tạo ra bởi sự tương tác giữa những hạt mang điện tích từ mặt trời và bầu khí quyển sao Kim. Tình trạng nhiễu động khủng khiếp trên hành tinh này (gió trên sao Kim có thể đạt tới tốc độ 350 km/h) khiến các hạt phát sáng tập trung tại một khu vực trong khí quyển.
Đây không phải là lần đầu tiên người ta nhìn thấy vùng sáng khổng lồ trên sao Kim, nhưng phát hiện mới nhất được coi là bất thường vì chỉ có một khu vực nhỏ phát ra ánh sáng mạnh hơn phần còn lại của hành tinh.
Sao Kim (còn gọi là sao Hôm, sao Mai) là hành tinh thứ hai tính từ mặt trời trong Thái Dương Hệ. Nó có đất và đá giống như trái đất. Kích thước, khối lượng và trọng lực của Sao Kim suýt soát với Trái Đất nên hai hành tinh này vẫn thường được coi như hai hành tinh sinh đôi. Với mắt thường, sao Kim là thiên thể sáng thứ ba trên bầu trời, sau mặt trời và mặt trăng.