Vương quốc chim cánh cụt lớn nhất thế giới sụp đổ một cách bí ẩn

Từ một vương quốc 2 triệu "dân", số lượng chim cánh cụt trên đảo Île aux Cochons đã giảm một cách bí ẩn với số lượng lên tới 88% trong vòng hơn 30 năm.

Gần cực Nam của Trái đất có một hòn đảo thuộc Ấn Độ Dương, với cái tên tiếng Pháp là Île aux Cochons.

Đó thực sự là một vương quốc khổng lồ dành cho chim cánh cụt. Mà việc gọi Île aux Cochons là vương quốc cũng không sai, vì loài chim cánh cụt sống ở đó là loài cánh cụt vua (king penguin).


Vương quốc chim cánh cụt trên đảo Île aux Cochons.

Tuy nhiên, vương quốc khổng lồ này đã và đang sụp đổ với quy mô hết sức khủng khiếp. Năm 1980, có khoảng 2 triệu con cánh cụt sống ở đây, trong đó có hơn 500.000 đôi chim đang trong độ tuổi sinh sản.

Còn ngày nay, con số chỉ còn 60.000 cặp thôi. Một mức giảm quá lớn mà khoa học vẫn chưa hiểu tại sao.

Để có được những chỉ số này, các chuyên gia từ Trung tâm nghiên cứu sinh học Chizé (CNRS - Pháp) đã sử dụng dữ liệu vệ tinh từ năm 2005, kết hợp cùng một số ảnh chụp trong giai đoạn 1982 - 1988. Kết quả, số lượng chim cánh cụt tại đây là giảm tới 88% - một mất mát tương ứng với 1/3 tổng số chim cánh cụt vua trên phạm vi toàn thế giới.

Cụ thể hơn, nhóm nghiên cứu đã tính toán các đường nét của đảo hiện tại, và tính toán xem có bao nhiêu vùng đang được thực vật che phủ. Lý do là vì chim cánh cụt vua chỉ sinh sống tại những khu vực phẳng, hơi dốc, và không có cây cối. Đúng hơn là tại nơi chúng chiếm đóng thì thực vật cũng ít mọc được.

Nhưng tính từ năm 1980, thảm thực vật bắt đầu che phủ dần khu vực sinh sản của chim cánh cụt. Đây chính là dấu hiệu cho việc sụp đổ của cả một vương quốc.


Thảm thực vật lấn dần từ năm 1982.

Vấn đề là tại sao?

Đó thực sự là một câu hỏi không dễ trả lời, bởi vì các quần thể cánh cụt khác gần đó không hề bị giảm. Như khu đảo Île de la Possession, chim cánh cụt ở đây gần như giữ nguyên số lượng kể từ năm 1960. Thậm chí, số lượng tại các khu đảo Marion và đảo Kerguelen còn có sự gia tăng.

Điều này khiến các chuyên gia tin rằng lý do hoàn toàn nằm ở Île aux Cochons chứ không phải một hiện tượng toàn cầu, và dường như không liên quan đến quá trình biến đổi khí hậu. Vấn đề là chưa ai tìm ra lý do thôi.


Giả thuyết đầu tiên là sự kiện phân cực tại Ấn Độ Dương vào năm 1997 đã ảnh hưởng đến chim cánh cụt vua trên đảo Île de la Possession.

Hiện tại, nhóm chuyên gia đã đặt ra một vài giả thuyết. Đầu tiên là sự kiện phân cực tại Ấn Độ Dương vào năm 1997. Sự kiện này đã làm nóng bề mặt đại dương tại khu vực đảo Île de la Possession, khiến chim cánh cụt ở đây khó tìm kiếm thức ăn và chịu ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình sinh sản.

Île de la Possession đến nay đã phục hồi, nhưng giả thuyết đặt ra là sự kiện ấy cũng đã ảnh hưởng đến vương quốc Île aux Cochons, và nơi đây thì cần nhiều thời gian để khôi phục hơn.

Một giả thuyết khác là quá trình di cư. Về cơ bản, chim cánh cụt vua là loài rất gắn bó với quê hương. Chúng sẽ luôn ở lại nơi chúng sinh ra và kết đôi. Tuy nhiên, các hình ảnh năm 2005 lại cho thấy có một quần thể khác di chuyển đến gần bờ biển - một khu vực chúng chưa từng ở đó. Dù vậy, quần thể này quá nhỏ để giải thích cho quá trình biến mất của một lượng lớn cánh cụt.


Chim cánh cụt vua là loài rất gắn bó với quê hương.

Các loài vật ngoại lai - như mèo hoang, chuột... cũng được cho là có thể gây ảnh hưởng. Trong đó, bọ chét trên chuột có thể gây dịch bệnh trên diện rộng. Tuy nhiên, đã từng có dịch bệnh như vậy xảy ra trên đảo Marion vào năm 1990, nhưng cũng không gây quá nhiều ảnh hưởng.

Còn các thảm họa thiên nhiên? Cũng rất khó có khả năng, vì ở đây không có bằng chứng cho thấy sóng thần hay núi lửa hoạt động.

Một trong những lý do khiến việc tìm nguyên nhân khó khăn như vậy là vì đã quá lâu rồi khoa học không tiếp cận hòn đảo này. Lần gần nhất giới khoa học đặt chân lên đảo là vào năm 1982. Thế nên để làm rõ nguyên nhân, có lẽ cần một chuyến đi thực tế thì hợp lý hơn.

"Toàn bộ vương quốc bị sụp đổ, và lý do vẫn còn là bí ẩn. Chúng ta cần giải quyết nó" - trích trong báo cáo của nhóm nghiên cứu.

"Quá trình sụp đổ diễn ra ít nhất là 20 năm rồi, và vẫn đang tiếp diễn".

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Antarctic Science.

Cập nhật: 01/08/2018 Theo helino
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video