Theo Newsweek, ba biến chủng nCoV mới được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) loại bỏ khỏi danh sách đáng quan tâm là Eta, Iota và Kappa. Từ ngày 22/9, chúng được xếp vào nhóm đang theo dõi (Variants Under Monitoring - VUM), mức độ cảnh báo thấp hơn các biến chủng đáng quan tâm.
Suy giảm đáng kể tỷ lệ lây nhiễm
Các biến chủng đang theo dõi là những loại có sự thay đổi di truyền, nghi ngờ ảnh hưởng đặc điểm của virus. Một số dấu hiệu cho thấy nó có thể gây ra rủi ro trong tương lai. Song, bằng chứng về tác động dịch tễ học chưa rõ ràng, cần theo dõi tăng cường, đánh giá lặp lại khi chờ dữ liệu mới. Hiện danh sách VUM có 14 biến chủng.
Trước đó, Eta, Iota, Kappa được đưa vào danh sách biến chủng đáng quan tâm vì khả năng dễ lây lan cũng như gây bệnh nặng. Mức độ hiện diện của chúng trong tỷ lệ các ca mắc Covid-19 trên toàn cầu đã có sự sụt giảm đáng kể. Đây cũng là cơ sở để WHO đưa cảnh báo thấp hơn cho các biến chủng này.
Hiện tại, WHO xếp hai biến chủng Lambda và Mu vào danh sách đáng quan tâm. (Ảnh: Reuters).
Biến chủng đáng quan tâm (VOIs) hay cần theo dõi, đáng chú ý là các chủng xuất hiện ở nhiều ổ dịch tại các quốc gia khác nhau, chứa một vài dạng đột biến tiềm năng nguy hiểm, nhưng chưa có bằng chứng cho thấy chúng dễ lây lan hơn hay độc lực cao hơn.
Kappa là biến chủng nCoV được phát hiện đầu tiên vào tháng 10 ở Ấn Độ. Nó còn có tên gọi khác là B.1.617.1, gần giống Delta (B.1.617.2). Indian Express gọi Kappa và Delta là “anh em ruột” vì cùng “hậu duệ” của biến chủng kép B.1.617.
Trong khi đó, Iota (B.1.526) được phát hiện tại Mỹ lần đầu vào tháng 11. Hiện tại, Mỹ không ghi nhận F0 nhiễm biến chủng này. WHO xếp nó vào nhóm đáng quan tâm vào ngày 24/3.
Eta còn có tên gọi là B.1.525, được phát hiện vào giữa tháng 2. Ngày 15/2, các nhà khoa học tại Đại học Edinburgh (Anh), tình cờ phát hiện biến chủng này sau khi giải trình tự gene các bệnh nhân ở 10 quốc gia như Đan Mạch, Mỹ, Australia. Chỉ sau 3 ngày, biến chủng này đã xuất hiện ở 13 quốc gia, vùng lãnh thổ. Biến chủng này chứa đột biến E484K, loại có trong B.1.351 của Nam Phi và P.1 từ Brazil. Nó từng được các nhà khoa học cảnh báo là có thể kháng vaccine.
Hiện tại, Iota phổ biến nhất trong 3 biến chủng nói trên nhưng chỉ đạt tỷ lệ lây nhiễm cao nhất là 3% trong tổng số ca mẫu bệnh phẩm giới chuyên gia giải trình tự. Kappa đạt đỉnh tỷ lệ lây nhiễm 1%. Trong khi đó, con số này của Eta chưa bao giờ chạm mốc 1%. Cả ba đều cho thấy sự suy giảm đáng kể trong việc lây truyền, rất ít hoặc hầu như không xuất hiện ở các khu vực trước đây đã báo cáo nhiều ca mắc.
WHO không xếp Kappa, Iota hay Eta vào nhóm đáng quan tâm vì không coi chúng là nguy cơ toàn cầu. Song, chúng có thể vẫn nằm trong danh sách cần quan tâm ở một số quốc gia. Riêng tại Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) không chỉ định biến chủng nào cần quan tâm.
Hai biến chủng WHO gắn mác “đáng quan tâm”
Hiện tại, theo bản cập nhật ngày 22/9 của WHO, danh sách các biến chủng đáng quan tâm chỉ còn Lambda và Mu.
Biến chủng Mu còn có tên khoa học B.1.621, xuất hiện lần đầu tiên tại Colombia vào đầu tháng 1. Ngày 30/8, WHO bổ sung Mu vào danh sách biến chủng Covid-19 cần theo dõi.
B.1.6.21 đã gây ra một số chùm ca bệnh rải rác tại Nam Mỹ và châu Âu. Tuy vậy, biến chủng này không lây lan mạnh như chủng Delta. Các nhà khoa học nhận định đây không phải là mối đe dọa lớn đối với thế giới.
WHO tiết lộ lý do khiến Mu cần phải theo dõi vì “có một vài đột biến có thể có khả năng vượt qua hệ miễn dịch, giống như hiện tượng xảy ra với biến chủng Beta” và cần được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn.
Nhật Bản là quốc gia châu Á mới nhất phát hiện ca mắc biến chủng Lambda. (Ảnh: Reuters).
Trong khi đó, biến chủng Lambda (hay còn gọi là C.37) được phát hiện lần đầu tiên ở Peru. Chỉ sau thời gian ngắn, nó nhanh chóng khiến các chuyên gia ở Mỹ Latin lo lắng về những đột biến bất thường.
Lambda có 7 đột biến trong protein mà virus sử dụng để lây nhiễm sang tế bào người. Các nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm đến đột biến L452Q, tương tự L452R đã được phát hiện ở biến chủng Delta. Đây cũng là đột biến giúp biến chủng Delta lây lan nhanh hơn.
Theo một bài báo của hai chuyên gia Nhật Bản được đăng tải vào đầu tháng 8 trên trang biorxiv.org, biến chủng Lambda mang 3 đột biến RSYLTPGD246-253N, 260 L452Q và F490S, có thể thoát khỏi kháng thể sau khi nhiễm, sau khi tiêm một số loại vaccine.
Tuy nhiên, bài viết vẫn chưa được xuất bản trên một tạp chí có thẩm định. Hiện tại, không có bằng chứng cho thấy biến chủng Lambda ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả của vacicne.