WHO theo dõi khẩn bệnh lạ ở châu Phi khiến 8 người tử vong sau khi tham dự lễ tang

Với những triệu chứng không rõ ràng, dễ nhầm lẫn, căn bệnh bí ẩn có thể nhanh chóng cướp đi sinh mạng của người bệnh chỉ sau vài giờ.

Ngày 12/2, giới chức Guinea đã quyết định cách ly 200 người liên quan để theo dõi căn bệnh lạ khiến 8 người tử vong sau khi tham dự một lễ tang. Các triệu chứng của căn bệnh bí ẩn là chảy máu mũi, sốt, đau khớp, khiến nạn nhân qua đời chỉ trong vòng vài giờ.

Ngày 10/2, Bộ trưởng Y tế Mitoha Ondo'o Ayekaba thông báo cơ quan y tế đang nỗ lực lấy mẫu xét nghiệm của các bệnh nhân một cách nhanh nhất. Nước này sẽ gửi mẫu bệnh phẩm đến các quốc gia lân cận là Gabon và Dakar để xét nghiệm thêm.


8 người sau khi tham dự lễ tang bất ngờ phát bệnh và qua đời - (Ảnh minh họa).

Ông Ayekaba cũng cho biết, các nhà chức trách đã phong tỏa hai ngôi làng nơi các bệnh nhân sinh sống, tiếp tục truy vết tiếp xúc để tìm ra những người có khả năng mắc bệnh. Hiện những người cách ly chưa có triệu chứng.

"Chúng tôi đang cố gắng xác định nhanh nhất liệu có phải bệnh do sốt xuất huyết Lassa hoặc Ebola hay không", ông nói.

Lo lắng dịch bệnh có thể bùng phát, hiện nước láng giềng của Guinea là Cameroon đã hạn chế di chuyển dọc biên giới nước này sau "những cái chết không rõ nguyên nhân". Mặt khác, Bộ trưởng Y tế Malachie Manaouda của Cameroon cho rằng, lệnh hạn chế sẽ giúp quốc gia ứng phó với tất cả trường hợp trong giai đoạn đầu của dịch bệnh.

Cũng liên quan đến tình hình dịch bệnh trên thế giới, trước đó, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, trong vài tuần qua đã có các báo cáo về sự lây lan bất thường của virus cúm gia cầm H5N1 sang một số loài động vật có vú.

Tiến sĩ Tedros nhấn mạnh: "H5N1 đã lây lan rộng rãi ở các loài chim hoang dã và gia cầu trong 25 năm, nhưng sự lây lan gần đây sang động vật có vú cần được theo dõi chặt chẽ".

Các báo cáo gần đây cho biết virus H5N1 đã lan sang chồn, rái cá, cáo, sư tử biển. Hiện tượng này chỉ mới được ghi nhận trong vài tuần gần đây.

Về rủi ro với con người, hiện tại WHO đánh giá ở mức "thấp".

"Kể từ khi H5N1 xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1996, chúng ta chỉ thấy sự lây truyền H5N1 hiếm và không bền vững giữa người với người. Nhưng chúng ta không thể cho rằng điều đó sẽ mãi như vậy. Chúng ta phải chuẩn bị cho bất kỳ sự thay đổi nào" - người đứng đầu WHO nói thêm.

Ông cũng cho biết WHO đang làm việc với chính quyền các quốc gia và vùng lãnh thổ, cũng như các đối tác để theo dõi chặt chẽ tình hình và nghiên cứu các trường hợp nhiễm virus H5N1 ở người nếu có.

WHO cũng khuyến nghị các nước thành viên tăng cường giám sát những nơi con người và động vật nuôi hoặc động vật hoang dã thường tương tác với nhau.

Hiện Mạng lưới phòng thí nghiệm toàn cầu của WHO, Hệ thống Giám sát và ứng phó cúm toàn cầu đang tiếp tục hợp tác với các nhà sản xuất để chuẩn bị nguồn cung vắc-xin và thuốc kháng virus toàn cầu khi cần thiết.

Virus Ebola được phát hiện lần đầu vào năm 1976 và đặt tên theo một con sông ở Cộng hòa Dân chủ Congo. Căn bệnh quái ác cướp đi sinh mạng khoảng hai phần ba số người nhiễm bệnh, trong đó có những đợt bùng phát với tỷ lệ tử vong lên đến 90%.

Người nhiễm virus Ebola có thời gian ủ bệnh từ 2 đến 21 ngày, sau đó có các triệu chứng như sốt cao đột ngột, suy nhược, căng thẳng, đau cơ, nhức đầu, đau họng. Tiếp đó, người bệnh ói mửa, tiêu chảy, phát ban, suy giảm chức năng gan và thận, có thể gây xuất huyết nội và ngoại. Hiện đã có vaccine và phác đồ điều trị căn bệnh này.

Cập nhật: 15/02/2023 TTVH
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video