Hãng phân tích ABI Research khẳng định, trái với hi vọng của đa số cộng đồng người sử dụng, công nghệ WiMax cũng có không ít lỗi bảo mật.
"Nếu chúng ta không thể rút ra kinh nghiệm từ những bài học trong quá khứ thì có lẽ chúng ta sẽ rất dễ mắc phải những sai lầm đó," Phó chủ tịch ABI Stan Schatt nhận định.
"Những khách hàng tham gia thử nghiệm công nghệ WiMax có lẽ đã có cảm nhận sai lầm về khả năng bảo mật của công nghệ WiMax. Thế cờ hoàn toàn có thể lật ngược trước sự xuất hiện của những mã độc nguy hiểm".
"WiMax Forum hết lời ca ngợi WiMax có độ an toàn cao hơn công nghệ Wi-Fi rất nhiều. Có lẽ chính vì thế mà người dùng có cảm nhận sai lầm về tính bảo mật của WiMax".
Theo ông Schatt, lĩnh vực bảo mật WiMax có thể được chia làm 3 nhóm khác nhau, gồm thiết bị người dùng đầu cuối, chống xâm nhập trái phép và mạng dịch vụ kết nối.
Thiết bị người dùng đầu cuối cần phải được ứng dụng các công nghệ tăng tốc mã hoá giúp giải quyết các lệnh xử lý AES nhanh hơn. Trong khi đó, hệ thống mạng dịch vụ kết nối tồn tại ngoài rìa mạng WiMax sẽ là địa điểm lý tưởng cho phép các hãng tích hợp các công nghệ chống xâm nhập hoặc phần mềm phần cứng bảo mật.
Báo cáo nghiên cứu mới nhất của ABI khẳng định cần phải triển khai phần mềm tường lửa hoặc các ứng dụng tường lửa cao cấp cũng như các máy chủ vệ tinh vòng ngoài trên các hệ thống mạng dịch vụ kết nối nhằm xử lý các yêu cầu chứng thực kết nối đa dạng.
Ngoài ra một vấn đề nữa đặt ra với các hãng chấp nhận triển khai công nghệ WiMax là cần phải có đủ nguồn nhân lực có trình độ trong nội bộ. Hiện mới chỉ có rất ít hãng đáp ứng được yêu cầu này.
Như vậy, các chuyên gia đã phải sớm lên tiếng cảnh báo về các vấn đề bảo mật mà WiMax có thể sẽ phải đối mặt với ngay cả khi công nghệ này vẫn chưa được triển khai ứng dụng rộng rãi. Bảo mật là một cuộc chiến chưa có hồi chấm dứt bởi mục tiêu của bọn tin tặc và tội phạm mạng là những nguồn lợi nhuận đen tối. Công nghệ mới không có nghĩa là không có lỗ hổng. Còn lỗ hổng thì bọn tội phạm mạng vẫn còn đất để sống.
Hoàng Dũng