Xác cá voi chìm 14 năm biến thành "ốc đảo" sự sống

Xác cá voi chìm sâu dưới Bắc Thái Bình Dương đang giúp giới khoa học hiểu thêm về quá trình xác động vật khiến hệ sinh thái phát triển mạnh.

Hiện tượng cá voi chết và chìm xuống đáy biển được gọi là "cá voi chìm" (whale fall). Xác cá voi trong nghiên cứu mới được nhóm chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Thủy cung Vịnh Monterey phát hiện ở độ sâu 1.250 m trong vùng Clayoquot Slope, ngoài khơi bờ biển British Columbia, Canada, năm 2009, Science Alert hôm 11/7 đưa tin.

Từ năm 2012, nhóm nhà khoa học tại tổ chức Ocean Networks Canada (ONC) đã thường xuyên quay lại địa điểm này để nghiên cứu tốc độ phân hủy của bộ xương, đồng thời theo dõi những thay đổi về sự đa dạng của các sinh vật biển sống ở đây và ăn xác cá voi.

Lần ghé thăm mới nhất nằm trong chuyến thám hiểm do tàu nghiên cứu EV Nautilus của tổ chức Ocean Exploration Trust (OET) thực hiện nhằm giúp ONC kiểm tra các đài quan sát dưới nước đang hoạt động tại Clayoquot Slope. Trong chuyến thám hiểm, tàu lặn điều khiển từ xa Hercules cũng ghi hình với độ phân giải cao và tiến hành khảo sát quang trắc về xác cá voi. Công việc này do nhà sinh thái học Fabio De Leo tại ONC dẫn dắt. Video về xác cá voi được công bố hồi đầu tháng 7.


Xác cá voi chìm tại Clayoquot Slope, Bắc Thái Bình Dương.

Xác cá voi chìm tượng trưng cho một ốc đảo cung cấp thực phẩm dưới đáy biển sâu, nơi thường nghèo thức ăn, và duy trì một tập hợp sinh vật biển đa dạng, theo OET. Năm 2019, nhóm nhà khoa học tại Khu bảo tồn Biển Quốc gia Vịnh Monterey phát hiện một xác cá voi khác mới hơn dưới núi ngầm Davidson ở độ sâu 3.200 m. Sau khi chìm khoảng 4 tháng, xung quanh đó có rất nhiều bạch tuộc, giun, các loại cá và cua.

Xác cá voi Clayoquot Slope nằm ở vùng nước nông hơn, nhưng tại đó đáy biển vẫn chìm trong bóng tối vì ánh sáng Mặt Trời không thể xuyên xuống. Các nhà khoa học chưa rõ chính xác con vật thuộc loài nào, nhưng De Leo lưu ý rằng địa điểm này nằm gần một tuyến đường di cư của cá voi xám (Eschrichtius robustus). 14 năm sau khi phát hiện xác cá voi, nơi đây vẫn rất dồi dào sinh vật sống.

Chuyến thám hiểm quan sát được nhiều loài vật như sao sao (Cocculina craigsmithi), ốc biển (Mitrella (Astyris) permodesta), động vật chân đều (Ilyarachna profunda), cua (Paralomis multispina), cá đuôi chuột (Coryphaenoides acrolepis) và giun ống (Lamellibrachia barhami). "Số giun ống này, có thể vẫn là những con quan sát được vào năm 2009, đang làm tổ trên xương hàm bên trái của cá voi. Điều đó thật ấn tượng", OET cho biết.

Trong video, có nhiều con ốc biển trông như đang đậu trên đỉnh những chiếc cột cao. Đây thực chất là cột trứng của chúng. Điều này làm giàu thêm cho hệ sinh thái quanh xác cá voi, không chỉ ốc biển con mới sẽ xuất hiện mà cũng cung cấp thêm thức ăn, vì các động vật khác (ví dụ như cua) sẽ ăn trứng.

Trong chuyến thám hiểm, nhóm nghiên cứu cũng lấy mẫu trầm tích đáy biển từ khu vực xung quanh xác cá voi. Họ sẽ kiểm tra các mẫu này để tìm kiếm ADN môi trường, từ đó xây dựng dữ liệu khảo sát chính xác hơn về những sinh vật ẩn nấp, kiếm ăn và phát triển trong bóng tối.

Cập nhật: 13/07/2023 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video