Một ngoại hành tinh được công nhận là một phần của hệ sao nhị phân Kepler-47.
Kepler-47 là hệ sao nhị phân duy nhất được biết đến có nhiều hành tinh. (Ảnh: UPI).
Sau nhiều năm nghiên cứu, các nhà thiên văn học mới đây chính thức xác nhận sự tồn tại của hành tinh thứ ba quay quanh hệ sao Kepler-47 cách Trái Đất khoảng 3.400 năm ánh sáng. Với ba hành tinh và hai mặt trời, Kepler-47 là hệ sao nhị phân đa hành tinh duy nhất được biết đến.
Hành tinh được đặt tên Kepler-47d không phải là một phát hiện mới. Kính viễn vọng không gian Kepler của NASA lần đầu tiên quan sát thấy ngoại hành tinh này vào tháng 11/2013 khi nó bay qua hai ngôi sao chủ. Tuy nhiên do thiếu dữ liệu, các nhà khoa học chưa thể xác nhận Kepler-47d là một phần của hệ sao vào thời điểm đó.
Các nghiên cứu chuyên sâu sau đó đã cung cấp những thông tin đáng kinh ngạc về cả kích thước và vị trí của hành tinh mới. Với đường kính lớn gấp 7 lần Trái Đất, Kepler-47d là hành tinh lớn nhất trong hệ sao Kepler-47. Nó mất 187,3 ngày để hoàn thành một vòng quay quanh hai ngôi sao chủ, với quỹ đạo nằm giữa hai hành tinh còn lại là Kepler-47b và c.
Phát hiện mới vừa công bố trên Tạp chí Thiên văn (Astronomical Journal).