Xác rùa ở Đồng Mô sẽ được bảo quản lạnh tại Bảo tàng thiên nhiên

Con rùa Rafetus swinhoei (rùa Hoàn Kiếm) sẽ được bảo quản trong phòng lạnh âm 20 độ C và chờ phương án xử lý từ UBND TP Hà Nội.

Thông tin được PGS. TS Phan Kế Long, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam nói với PV.


Xác rùa được chuyển về Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam chiều 24/4. (Ảnh: Võ Hải)

Rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô, dài 1,56m, nặng 93kg, được xác định chết sáng 23/4. Chiều 24/4, mẫu vật rùa đã được bàn giao về Bảo tàng thiên nhiên để bảo quản. Phòng lạnh âm sâu là môi trường tốt nhất cho việc bảo quản xác rùa để phục vụ cho chế tác hoặc nghiên cứu về DNA, cấu trúc di truyền sau đó.

Các chuyên gia đã lấy 15 mẫu phục vụ cho việc nghiên cứu để xác định loài, độ tuổi, nguyên nhân chết. Hiện vẫn cần phải đợi kết quả DNA để khẳng định chắc chắn, song theo ông Long, dựa vào hình thái đây là rùa Rafetus swinhoei (hay còn gọi rùa Hoàn Kiếm).


Chuyên gia đang lấy mẫu phục vụ cho việc nghiên cứu. (Ảnh: Võ Hải).

Dựa theo kinh nghiệm với mẫu rùa Hồ Gươm chết hồi tháng 1/2016, lãnh đạo Bảo tàng thiên nhiên đề xuất nên xử lý xác rùa làm tiêu bản. Hiện có một số phương pháp xử lý như bảo quản ướt hoặc nhựa hóa. Tuy nhiên nếu bảo quản ướt, khi trưng bày phải ngâm trong dung môi sẽ gây ra hiện tượng cháy nổ, ngâm trong cồn hay phoóc-môn sẽ không đẹp và bị mất màu. "Phương pháp nhựa hóa là tối ưu nhất với loài không vây, không vảy này", PGS Long nói.

Phương pháp nhựa hóa từng được áp dụng thành công với Rùa hồ Gươm. Sau khi hoàn thành, mẫu rùa Hồ Gươm có kích thước dài hơn 2m, rộng 1,1m. "Tiêu bản rùa Hồ Gươm được bàn giao cho nhà trưng bày của đền Ngọc Sơn "y như thật và thời gian để lâu nhất", ông Long nói.

Đây là phương pháp hiện đại nhất thế giới, giúp bảo quản nguyên trạng mẫu vật từ hình thái, màu sắc đến cả những phần khó như mắt, diềm mai. Nước và mỡ hòa tan trong tế bào sẽ được hút hết để thay vào đó một loại nhựa đặc biệt. Khi nhựa vào cơ thể sẽ thẩm thấu qua các tế bào giúp giữ nguyên cấu trúc. Phương pháp này cũng giúp giữ được nguyên vẹn mẫu vật (cả phần xương, sụn) sát thực nhất với mẫu sống, không để lại mùi và có độ bền cao.

Kỹ thuật nhựa hóa (plastination technique) các tử thi và xác động vật được nhà khoa học Đức Gunther Von Hagens phát minh ra từ những năm 1977. Trong đó kỹ thuật viên sẽ tách bỏ nước và mỡ khỏi cơ thể động vật, rồi thay thế bằng chất dẻo. Kỹ thuật plastination còn bao gồm cả việc sử dụng nhựa thông để bảo quản các cơ quan cũng như hệ mao mạch phức tạp trong cơ thể, rồi dùng axít để phân hủy tế bào và cấu trúc bao quanh.

Rùa Hoàn Kiếm (còn có tên là giải Swinhoe, Rafetus swinhoei) được mô tả lần đầu năm 1873, nhưng thực tế có rất ít nghiên cứu về loài rùa mai mềm khổng lồ này. Rùa Hoàn Kiếm hiện còn bốn con, trong đó hai con ở Trung Quốc, một ở hồ Đồng Mô và một ở hồ Xuân Khanh (Sơn Tây, Hà Nội). Con rùa Rafetus Swinhoei duy nhất sống ở Hồ Gươm đã chết tháng 1/2016.

Rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô được các nhà bảo tồn của Chương trình Bảo tồn rùa châu Á phát hiện lần đầu năm 2007. Một năm sau, trong trận lụt lịch sử của Hà Nội, nó lọt ra ngoài hồ và bị ngư dân bắt. Nhờ sự vận động của cơ quan chức năng và giới bảo tồn, rùa được đưa lại hồ, theo dõi đến nay.

Cập nhật: 25/04/2023 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video