Sứa buồm thường đến gần bờ vào mùa xuân nên có thể bị gió và bão đẩy dạt lên bãi biển.
Sứa buồm dễ bị gió bão thổi vào bờ trong mùa xuân. (Ảnh: Tin Can Traveler).
Thảm sứa buồm phủ kín bãi biển Palavas-les-Flots, Pháp, khiến khu vực này chuyển thành màu tím thẫm, Weather Network hôm 11/4 đưa tin. Số lượng sứa ước tính có thể lên đến hàng tỷ con. Chúng có thể dần dần bốc mùi sau khi mắc cạn.
Đây không phải hiện tượng quá bất thường với sứa buồm, còn gọi là "thủy thủ nương theo gió". Khi mùa xuân tới, loài sứa này di chuyển đến gần bờ hơn nên dễ bị bão và gió mạnh thổi dạt vào. Sứa buồm thường xuất hiện trên các bãi biển Mỹ, nhưng đây là lần đầu tiên chúng trôi lên bờ với số lượng lớn ở Palavas-les-Flots.
Sứa buồm trông giống sứa nhưng thực chất mỗi cá thể là tập hợp nhiều sinh vật nhỏ gọi là thủy tức. Sứa buồm chủ yếu ăn sinh vật phù du. Nọc độc của chúng có thể gây kích ứng mắt và miệng, do đó, các chuyên gia cảnh báo người dân nên tránh tiếp xúc trực tiếp.