Hàng trăm người Afghanistan đã tụ tập tại Mazar-e-Sharif tuần trước xem trận đấu ngoạn mục giữa các đấu sĩ lạc đà để chào đón năm mới của người Ba Tư.
Những con lạc đà cao tới 2m, nặng nửa tấn được lựa chọn để tham gia đấu vật. Khi hai con lạc đà đực được dẫn ra đấu trường, một con bê sẽ được dẫn đi vòng quanh chúng. Tới khi một dòng nước màu trắng sữa từ miệng và mũi chúng chảy ra - đó là dấu hiệu để bắt đầu trận đấu.
Mỗi trận đấu kéo dài khoảng 10 phút. Hai con lạc đà đực sẽ phải vật lộn với nhau. Chúng không chỉ sử dụng tới sức mạnh của đầu và cổ húc ngã đối phương, mà còn phải dùng tới cả sự khéo léo như khóa chân đối thủ để lật ngửa chúng, trong khi đám đông vây quanh gào khản giọng cổ vũ và đánh cược.
Những trận giao đấu như thế này vẫn thường xảy ra trong tự nhiên giữa những con lạc đà đực vào mùa sinh sản. Những trận đấu đôi khi rất ác liệt nhưng thường thì không khiến đối thủ tử vong. Miệng của những con lạc đà tham gia đấu vật đã được gắn kín để nó không thể dùng răng cắn trọng thương con khác. Kẻ thua cuộc khi bỏ chạy thường lao vào đám đông, gây hoảng loạn một lúc cho khán giả.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, đấu vật lạc đà thường xuyên được tổ chức. Hàng năm còn tổ chức cả giải vô địch Selcuk thu hút khoảng 20.000 người hâm mộ tới xem. Môn thể thao này có nguồn gốc từ những người thuộc bộ lạc Turk cổ xưa và được cho là có truyền thống hơn 2.400 năm. Nó được coi là nét văn hóa gốc rễ của những quốc gia đạo Hồi cổ xưa.
Còn lễ mừng năm mới của người Ba Tư cũng đã có truyền thống ít nhất 3.000 năm. Đây là ngày lễ được ăn mừng lớn nhất của những người Ba Tư cũ, mà ngày nay được các nước Iran, Afghanistan, Azerbaijan, Thổ Nhĩ Kỳ, và một phần phía Tây Trung Quốc, miền Bắc Iraq vẫn còn giữ gìn. Năm mới được bắt đầu vào ngày 21 tháng Ba hàng năm.
Những con lạc đà cao 2m và nặng tới nửa tấn tham gia giao đấu.
Dùng đầu và cổ để hạ gục đối thủ.
Để thắng cuộc, nó không chỉ cần tới sức mạnh mà còn cả sự khéo léo khiến đối thủ bị hạ gục.
Đấu sĩ lạc đà.
Trong khuôn khổ lễ hội, người ta còn tổ chức cả đấu vật dê...
và kị binh.