Xem thí nghiệm khoa học thời xưa kỳ bí như "ảo thuật"

Vào năm 1892, nhà nghiên cứu Tom Tit đã cho xuất bản cuốn sách với tựa đề "Thí nghiệm ma thuật". Trong cuốn sách, tác giả đã đề cập nhiều thí nghiệm chơi đùa cùng khoa học với các màn "ảo thuật kỳ bí".

>>> Các cách “giải khuây” nguy hiểm của giới trẻ thế kỷ 19

Cùng lạc vào thế giới ảo thuật kỳ thú và tham khảo một vài thí nghiệm khoa học được thực hiện từ hàng trăm năm trước.

1. Champaign nổ như pháo

Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta từng muốn mô phỏng lại một khẩu đại pháo trên bàn với tiếng nổ như sấm có thể hù dọa bất cứ kẻ nhát vía nào và thậm chí còn quan sát được độ giật của khẩu pháo.


Hình minh họa

Dụng cụ chuẩn bị cần có một chai champaign (sâm-panh) hoặc chai rượu rỗng cùng với nắp chai, bột Nabica (baking soda - muối nở), axit tartaric, một tờ giấy note cuộn hình ống, cuộn chỉ, giấy gói, 2 cái bút chì và ghim giấy.

Đầu tiên, bạn đổ nước vào 1/3 chai và hòa tan một lượng vừa phải bột baking soda vào. Càng nhiều soda thì vụ nổ càng lớn, vì thế tốt nhất bạn chỉ nên dùng một lượng vừa phải.

Cho một lượng nhỏ axit tartaric vào giấy cuộn rồi gói bên trong giấy. Dùng chỉ buộc chặt cuộn giấy lại, sau đó cắm ghim giấy vào mặt dưới của nắp chai và đóng nắp lại.

Chú ý tránh để cuộn giấy tiếp xúc dung dịch trong chai trước khi bạn đặt chai lên giá đỡ là 2 cái bút chì. Tiếp theo, khi giấy bắt đầu tan ra, axit tartaric sẽ gặp baking soda và "bùm". “Khẩu đại pháo” sẽ bắn viên “đạn nắp” và giật ngược về phía sau trên giá đỡ, hệt như pháo thật.

Giải thích khoa học:

Baking soda mang tính ba zơ (NaHCO3) còn axit tartaric, tất nhiên, mang tính axit. Khi 2 chất phản ứng sẽ sinh ra rất nhanh khí carbon dioxit (CO2). Khí này chiếm nhiều thể tích hơn so với chất bột baking soda ban đầu và hệ quả là chiếc nắp chai bị nổ bung ra ngoài.

2. Đồng xu ướt, tay vẫn khô

Thí nghiệm này sẽ khiến người xem phải trầm trồ khi rõ ràng bạn nhặt đồng xu trong chậu nước nhưng tay vẫn khô nguyên.

Dụng cụ cần chuẩn bị là một chậu hoặc xô nước, bột lycopodium, một vật nặng nhỏ như đồng xu, chiếc nhẫn.

Đầu tiên, bạn phải đặt tất cả các vật dụng dễ cháy ra xa khỏi bán kính 5m. Để bắt đầu, bạn thả vật thí nghiệm, như đồng xu hoặc nhẫn vào chậu nước và để nó chìm.

Tiếp theo, rải đều lượng “bột ma thuật - lycopodium” của bạn lên mặt nước. Cuối cùng, bạn đưa tay vào chậu nước và nhặt đồng xu (hoặc nhẫn) ra.

Khi rút tay ra, đồng xu sẽ bị ướt nhưng tay bạn hoàn toàn khô kể cả khi bạn để cho khán giả tận mắt thấy bạn ngâm tay trong nước.

Giải thích khoa học:

Tất nhiên nhân tố then chốt của thí nghiệm này là lớp “bột ma thuật” - một loại chất béo được lấy từ cây thạch tùng. Sở dĩ chúng ta gọi nó là chất béo vì các bào tử lấy từ loại cây này khi hong khô sẽ chứa hàm lượng chất béo cực cao.

Loại bột này thường cháy rất nhanh, đó là vì do nó thường được sử dụng dưới dạng bột nổ của các ảo thuật gia. Và điều quan trọng nhất, chất béo kị nước.

Khi bạn đưa tay chậm qua lớp bột, nó sẽ hình thành một chiếc găng tay chống thấm nước xung quanh tay bạn bằng cách đẩy lùi các phân tử nước. Đó là lý do giúp giữ tay bạn vẫn khô .

3. Dùng miệng để lấy kẹo

Trong thần thoại, do phạm lỗi, vị thần Tantalus phải chịu lời nguyền của sự đói khát bất tận. Mỗi lúc khát nước, Tantalus cúi đầu xuống dòng sông thì sông biến thành bùn đất, còn khi đói, ông vươn người lên cành cây hái quả thì những cành cây trĩu nặng quả cứ cao, cao mãi vượt khỏi tầm tay ông.

Để thực hiện thí nghiệm này bạn cần chuẩn bị một chiếc ghế chắc chắn cùng sự trợ giúp của một người đủ khỏe và khéo léo để đóng vai Tantalus.

Trong thí nghiệm này, Tantalus chỉ phải chịu hình phạt "chỉ được dùng miệng để nhặt kẹo lên" trong khi đang đứng trên chiếc ghế tựa tiếp xúc với mặt đất bằng hai chân trước. Trừ khi Tantalus giữ thăng bằng, nếu không, chiếc ghế sẽ đổ sập.

Giải thích khoa học:

Đối với trẻ con, không có gì thú vị hơn là thực hành thí nghiệm với kẹo và nghịch đồ đạc trong nhà. Trong thí nghiệm này, lý thuyết quan trọng nhất là về trọng tâm của trọng lực.

Mỗi vật thể đều có trọng tâm riêng, nhưng khi hợp lại, bạn và chiếc ghế cũng chia sẻ chung một trọng tâm khác. Khi bạn hướng trọng tâm về phía chiếc kẹo sẽ khiến trọng tâm bạn càng lệch xa trọng tâm chung với ghế và hậu quả bạn sẽ bị văng khỏi ghế.

Tuy nhiên nếu bạn cố gắng cúi thấp (càng thấp thì càng dễ giữ thăng bằng) và cố chuyển trọng tâm về phần đuôi nặng hơn của chiếc ghế thì bạn có thể duy trì tốt trọng tâm mình để lấy được kẹo.

4. Lấy riêng dầu, giấm chỉ trong một chai

Thí nghiệm này bắt nguồn từ câu chuyện cười về một đoàn khách đi picnic. Cả đoàn đã nổi đóa lên khi biết người chịu trách nhiệm mang dầu và giấm không muốn mang hai chai riêng nên đã trộn lẫn chúng vào với nhau.

Vấn đề là không phải ai cũng thích cùng một tỷ lệ giữa dầu và giấm với món salad. Vì vậy, tất cả mọi người đều rất ngạc nhiên khi anh chàng này đi quanh trại và phục vụ dầu giấm theo đúng tỉ lệ được yêu cầu.

Dụng cụ bạn cần chuẩn bị: dầu, giấm, một chiếc chai kín và vài đĩa salad nhỏ.

Giải thích khoa học:

Chúng ta biết rằng rất nhiều chất lỏng sẽ tách biệt ra sau khi trộn lẫn với dầu. Điều này xảy ra bởi vì chất béo trong dầu “không ưa” các phần tử nước chút nào.

Giấm lại chứa chủ yếu là nước, do đó trong chai sẽ có sự phân tách rõ ràng của 2 chất lỏng. Dầu nhẹ hơn nên sẽ nổi lên trên, chỉ cần nghiêng nhẹ chai là có thể rót dầu ra. Còn với giấm, lộn ngược chiếc chai lại và cũng nhẹ nhàng mở nắp để lấy được lượng giấm vừa ý.

* Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Mentafloss, Science, Wikipedia...

Theo Màn ảnh sân khấu
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video