Các hệ sinh thái ven biển khắp thế giới đang bị đe dọa do tác động từ các hoạt động của con người – đây là kết quả được các nhà khoa học thuộc đại học California tại Santa Barbara (UCSB) trong nghiên cứu được công bố mới đây trên tờ Journal of Conservation Letters. Các tác giả đã tiến hành những phân tích toàn diện về các khu vực duyên hải trên thế giới.
“Bảo tồn và quản lý nguồn tài nguyên nước ở vùng duyên hải phải đề cập tới những tác động từ các hoạt động của con người, từ đất, ví dụ như dòng chảy đô thị hay các dạng ô nhiễm, và cả từ biển,” Benjamin S. Halpern, tác giả đứng đầu của công trình nghiên cứu, người hiện đang làm việc tại Trung tâm Quốc gia về Phân tích và Tổng hợp Sinh thái (NCEAS) tại đại học UCSB.
“Một trong những thử thách to lớn là quyết định bằng cách nào và ở đâu có thể phân bổ những nguồn tài nguyên có hạn để giải quyết những vấn đề này,” ông nói. “Các kết quả qua nghiên cứu của chúng tôi cho phép xác định nơi nào bị đe dọa nhiều nhất bởi các tác nhân đất liền – những nơi mà chúng tôi gọi là điểm nóng về tác động từ đất liền – và nơi nào những nguồn tác động này là nhỏ hoặc có thể tạm bỏ qua.”
Điểm nóng nhất phải kể đến là cửa sông Mississippi, Halpem giải thích, các điểm còn lại trong top 10 điểm nóng nằm ở châu Á và vùng Địa Trung Hải. “Có những khu vực mà mọi nỗ lực bảo tồn sẽ đều trở thành vô nghĩa nếu như chúng không trực tiếp giải quyết những tác động xấu người ta đang gây ra chạy dọc từ thượng nguồn tới cửa sông.”
Điểm nóng nổi bật về tác động của con người lên các hệ sinh thái miền biển là sông Mississippi. Ảnh chụp từ vũ trụ. (Nguồn: NASA) |
Dòng chảy dinh dưỡng từ các trang trại ở thượng nguồn đã tạo ra một “vùng chết” ở vịnh Mexico nơi sông Mississippi đổ ra. Vùng biển chết này hình thành do tảo phát triển quá mức nhờ nguồn dinh dưỡng kể trên và hút hết phần lớn lượng oxy có trong nước.
Các tác giả nói rằng họ đã cung cấp được những phân tích chuyên sâu đầu tiên cho tất cả các khu vực duyên hải trên thế giới. Họ khảo sát bốn nguyên nhân chính dẫn tới thay đổi sinh thái:
- Nguồn dinh dưỡng từ canh tác nông nghiệp
- Ô nhiễm hữu cơ từ thuốc trừ sâu
- Ô nhiễm vô cơ từ dòng chảy đô thị
- Tác động trực tiếp của con người lên môi trường sống miền duyên hải
Halpern giải thích rằng phần lớn các bờ biển trên thế giới chỉ phải trải qua một phần rất nhỏ tác động của những gì diễn ra trong đất liền – gần nửa đường bờ biển và hơn 90% nước miền duyên hải nằm trong diện này. “Điều này là do chủ yếu những tác động của đất liền chỉ tập trung đổ vào một số con sông lớn, do đó chỉ làm ảnh hưởng một lượng nhỏ diện tích duyên hải”.
Halpern cho biết: “Ở những khu vực này, nơi ít chịu tác động từ hoạt động của con người trên mặt đất, việc bảo tồn biển có thể và cần được tập trung chủ yếu vào những gì diễn ra trên đại dương. Ví dụ như: đánh bắt cá, biến đổi khí hậu, các loài xâm lấn, và vận tải biển thương mại.”
Các nhà khoa học khác đến từ NCEAS cũng tham gia vào công trình này bao gồm: Colin M. Ebert, Carrie V. Kappel, Matthew Perry, Kimberly A. Selkoe, và Shaun Walbridge. Ngoài ra, Fiorenza Micheli đến từ đại học Stanford và Elizabeth M. P. Madin đến từ khoa Sinh thái học trường đại học California tại Santa Barbara cũng là đồng tác giả của nghiên cứu.
NCEAS được tài trợ bởi Quỹ hỗ trợ Khoa học Quốc gia (NSF). Đồng thời, Quỹ tài trợ David & Lucile, Khu bảo tồn Biển Quốc gia, và Hội nghiên cứu sau đại học NSF cũng cung cấp thêm kinh phí cho nghiên cứu.