Khám phá cơ chế tác động của nấm gây ảo giác lên não

  •  
  • 4.001

Hoạt chất psilocybin trong nấm gây ảo giác (còn gọi là "nấm ma thuật") được biết đến với đặc tính tạo cảm giác cường tráng, hưng phấn, thậm chí thay đổi nhận thức, nhưng giới khoa học vẫn chưa lý giải được nguyên nhân. Mới đây, các chuyên gia trường Đại học King Luân Đôn (Anh) đã khám phá cơ chế đặc biệt đằng sau những hiệu ứng trên.

>>> Nghiên cứu nấm gây ảo giác để trị trầm cảm
>>> Dùng phương pháp "nấm ma thuật" để hạn chế thuốc lá

Theo kết luận đăng trên tạp chí của Hiệp hội Hoàng gia, psilocybin tác động bằng cách phá vỡ mạng lưới thông tin liên lạc bình thường của não, cho phép kết nối các vùng não vốn không tương tác với nhau.

Khám phá cơ chế tác động của nấm gây ảo giác lên não
Ảnh: testtube

Trong nghiên cứu, chuyên gia vật lý Paul Expert cùng các đồng nghiệp đã tiến hành phân tích ảnh chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI) não bộ của nhóm dùng giả dược và những người sử dụng nấm gây ảo giác. Họ phát hiện có sự khác nhau giữa hai nhóm, trong đó não bộ của nhóm dùng "nấm ma thuật" xuất hiện một loạt kết nối giữa các vùng não vốn không tương tác với nhau trong quá trình hoạt động bình thường của hệ thần kinh. Các nhà nghiên cứu cho rằng hoạt động não gia tăng này có thể liên quan đến chứng loạn cảm giác (synaesthesia) – hiện tượng mà giác quan này lại có cảm giác kia. Chẳng hạn, một số người ăn nấm ma thuật cho biết họ nếm được mùi của màu cam, sờ mó được giai điệu, nhìn thấy mùi cà phê hoặc thấy cả tiếng ồn.

Nhóm nghiên cứu cho rằng các thử nghiệm của họ có thể giúp hiểu thêm về những lợi ích tiềm tàng của psilocybin trong điều trị các chứng rối loạn tâm thần, như bệnh trầm cảm. Bên cạnh đó, khám phá của họ về khả năng kết nối khác thường của não cũng có thể giúp giải đáp những câu hỏi hóc búa trong lĩnh vực khoa học thần kinh, chẳng hạn nhận thức đến từ đâu.

+ Trong một nghiên cứu khác về nấm, nhóm chuyên gia tại Đại học Texas (Mỹ) phát hiện hợp chất tương quan hexose hoạt tính (AHCC) tìm thấy trong loại nấm đông cô mọc trên cây thông rất phổ biến ở Nhật Bản có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch, tiêu diệt virus gây ung thư cổ tử cung và ngăn chặn các khối u phát triển.

Khám phá cơ chế tác động của nấm gây ảo giác lên não
Ảnh: shutterstock

Nghiên cứu được tiến hành trên 10 phụ nữ nhiễm virus u nhú ở người (HPV) – loại virus gây bệnh truyền nhiễm ảnh hưởng da, miệng, cổ họng và có liên quan đến 99% số ca ung thư cổ tử cung. Tất cả được cho sử dụng chiết xuất AHCC (gồm các axít amin, đường đa phân tử và khoáng chất) từ nấm đông cô mỗi ngày một lần và kéo dài trong 6 tháng. Kết quả cho thấy có 8 người đã được điều trị khỏi HPV. Theo Giáo sư Judith Smith, trưởng nhóm nghiên cứu, AHCC là một hoạt chất không gây tác dụng phụ mà còn mang lại nhiều lợi ích miễn dịch, do đó nhóm của bà đang xúc tiến giai đoạn 2 của cuộc thử nghiệm lâm sàng kéo dài 6 tháng trên số lượng bệnh nhân đông hơn.

Đây là nghiên cứu tiếp nối của một thử nghiệm công bố hồi đầu năm, trong đó, bà Smith đã chứng minh được AHCC giúp loại bỏ hoàn toàn HPV trên chuột trong vòng 90 ngày. Một nghiên cứu trước đó cũng cho thấy AHCC có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch bằng cách gia tăng số lượng tế bào giúp cơ thể chống lây nhiễm HPV và ngăn khối u ung thư phát triển.

Theo Báo Cần Thơ, Daily Mail, UPI
  • 4.001