Xử lý sao với các tình huống nguy cấp về tim mạch?

Việc nhận diện sớm được các dấu hiệu cấp cứu trong bệnh tim mạch và xử trí ban đầu đúng cách có thể giúp người bệnh tránh được kết cục đáng tiếc về sau.

Dưới đây một vài tình huống cấp cứu trong tim mạch:

1. Ngừng tuần hoàn

Các biểu hiện của ngừng tuần hoàn: Người bệnh đang bình thường thì đột ngột gục xuống, mất ý thức, gọi hỏi không đáp ứng với xung quanh, tím tái toàn thân, không thấy nhịp thở, không bắt được mạch cảnh hoặc mạch bẹn, có thể có đại tiểu tiện không tự chủ.

Khi gặp tình huống này, cần nhanh chóng cấp cứu người bệnh đồng thời gọi người xung quanh hỗ trợ và nhờ người gọi xe cấp cứu 115 ngay. Nhanh chóng cho người bệnh nằm xuống nền cứng, tiến hành ép tim - thổi ngạt.

Tư thế ép tim như sau: Người cấp cứu quỳ bên cạnh nạn nhân, đặt tay phải lên trên mu bàn tay trái, hai tay đặt lên 1/3 dưới xương ức của người bệnh, ấn mạnh cả hai tay cho lồng ngực xẹp xuống. Bạn cần ép tim liên tục, thậm chí không cần thổi ngạt nếu chỉ có một mình bạn cấp cứu. Có thể thay nhau ép tim nếu có người giúp đỡ và ép tim liên tục đến khi có sự có mặt của nhân viên y tế hoặc khi thấy người bệnh tỉnh lại.


Ép tim ngoài lồng ngực.

2. Đau thắt ngực trong nhồi máu cơ tim

Người bệnh sau khi gắng sức (làm việc nặng, thể dục, thể thao, đi bộ, leo cầu thang…) thì đột ngột xuất hiện đau dữ dội vùng ngực bên trái hoặc sau xương ức, cảm giác đau như bị bóp nghẹt trong lồng ngực hoặc như bị đè nén, đau lan lên cằm hoặc lan lên vai trái, mặt trong cánh tay trái hoặc đau lan ra sau lưng, có thể kèm vã mồ hôi lạnh... Cơn đau có thể kéo dài khoảng 5- 10 phút hoặc dài hơn. Đây là biểu hiện nghi ngờ của cơn đau ngực trong nhồi máu cơ tim.

Khi gặp người bệnh có những triệu chứng như trên, cần nhanh chóng cho họ ngồi nghỉ ngơi tại chỗ, tư thế ngồi thoải mái, ngả lưng ra sau, nới lỏng thắt lưng hoặc cà vạt nếu có và đồng thời gọi xe cấp cứu 115. Cố gắng trấn tĩnh người bệnh, khuyên họ hít thở sâu và chậm sẽ giúp giảm đau ngực và giảm căng thẳng. Nếu không gọi được xe cấp cứu bạn cần gọi người xung quanh hỗ trợ, đưa người bệnh đến bệnh viện gần nhất bằng phương tiện như taxi…, không để người bệnh tự lái xe đến bệnh viện.

3. Đột quỵ cấp

Những dấu hiệu của đột quỵ cấp được viết tắt là F.A.S.T bao gồm: đột ngột F (face) mặt mất cân đối, méo miệng; A (arm): tê hoặc yếu nửa người( tay và chân cùng bên); S (Speech): nói ngọng hoặc không nói được; T (time): đưa người bệnh đến cơ sở y tế có trung tâm đột quỵ gần nhất vì "thời gian vàng" của não chỉ kéo dài khoảng 4,5 đến 6 giờ, có thể đến 9 giờ đầu tiên từ lúc khởi phát bệnh.


Những dấu hiệu của đột quỵ cấp được viết tắt là F.A.S.T.

Nếu người bệnh được cấp cứu trong khoảng thời gian này thì khả năng hồi phục là rất cao. Nhiều trường hợp có thể đột ngột chậm chạp, gọi hỏi đáp ứng kém hoặc rối loạn thị giác (mù đột ngột, nhìn mờ, nhìn đôi…), hoặc đau đầu dữ dội kèm nôn nhiều….

Khi gặp các người bệnh có biểu hiện trên, cần tránh các hành vi sau:

  • Không cho người bệnh ăn uống thêm bất kỳ đồ gì
  • Không tự ý uống thuốc bổ não hoặc thuốc chống đột quỵ có sẵn
  • Không chích máu ở các đầu ngón tay
  • Không cố trì hoãn nằm nghỉ ngơi thêm để chờ các biểu hiện này hết.

Cần nhanh chóng: ghi lại hoặc chụp lại các loại thuốc mà người bệnh đang dùng nếu có; ghi lại thời gian khởi phát các triệu chứng và nhanh chóng đưa đến bệnh viện có trung tâm đột quỵ gần nhất. Những thông tin này sẽ giúp ích rất nhiều cho các bác sĩ khi cấp cứu người bệnh, rút ngắn được thời gian chờ đợi và mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh. Nếu người bệnh mất ý thức, không có nhịp thở, nhịp tim thì tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn.

4. Khó thở

Người bệnh đột nhiên thấy khó khăn khi hít vào hoặc thở ra, nhịp thở nhanh, nói câu ngắn có thể kèm vã mồ hôi. Cần cho người bệnh nằm đầu cao (kê một hoặc hai chiếc gối ở dưới đầu) hoặc ngồi trên ghế thả lỏng, người hơi nhô về phía trước hoặc ngồi dựa lưng vào tường. Tư thế ngồi thoải mái sẽ giúp người bệnh thư giãn và nhịp thở ổn định hơn; nới lỏng quần áo, dây thắt lưng hoặc cà vạt, cho thở oxy nếu có hoặc sử dụng quạt cầm tay để quạt không khí qua mũi và mặt. Sau đó, nhanh chóng gọi xe cấp cứu 115 ngay hoặc gọi người hỗ trợ đưa người bệnh đến bệnh viện gần nhất.

Sơ cứu ngoài cộng đồng, cấp cứu ban đầu càng sớm càng tốt nhằm duy trì chức năng sống của nạn nhân tạm ổn nhất có thể trước khi đưa đến bệnh viện. Do đó, việc phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện cũng như mỗi cá nhân được trang bị kiến thức sơ cấp cứu ban đầu cơ bản sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ tử vong và giảm mức độ thương tật cho người bệnh trong trường hợp nguy kịch, đặc biệt giúp ích trong gia đình có người thân là người già, trẻ nhỏ, người thân mắc bệnh lý tim mạch hoặc bệnh nền cần theo dõi.

Cập nhật: 28/03/2024 Tổ Quốc
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video