Gãy xương hở (GXH) là một trong những cấp cứu ngoại khoa thường gặp. Việc đánh giá đúng mức độ thương tổn và có những chỉ định xử trí thích hợp là việc làm quan trọng, giúp người bệnh chóng hồi phục và bảo toàn được vị trí xương bị tổn thương.
Đánh giá mức độ gãy xương hở
(Ảnh: TTO) |
Airway: Đường thở có bị vật cản trở không?
Breathing: Có bị chảy máu màng phổi do gãy mảng sườn di động gây khó thở?
Circulation: Có bị tổn thương động, tĩnh mạch gây mất máu cấp và nhiều không?
Chảy máu trong GXH có thể do thương tổn da, cơ, gãy xương gây chảy máu, cũng có thể do động mạch, tĩnh mạch thủng, dẫn đến choáng mất máu, phải chú ý đến 3 cấp cứu nói trên. Hậu quả của GXH là nhiễm khuẩn, không liền xương, mất đoạn xương, mất cơ năng gây tàn phế, thiệt hại và tốn kém về kinh tế khi điều trị. Tiên lượng GXH tùy thuộc không những vào tình trạng gãy xương mà còn phụ thuộc vào tính thương tổn phần mềm. Y học thế giới hiện phân loại GXH theo các týp sau:
Týp 1: Gãy xương hở có vết thương sạch, độ dài nhỏ hơn 1cm, thường do xương đâm từ trong ra.
Týp 2: GXH có xé rách phần mềm lớn hơn 1cm, da bị lóc nhưng không bị nghiền nát.
Týp 3: là loại nặng nhất, có thể chia làm 3 nhóm nhỏ.
Lóc phần mềm lớn hơn 10cm do sang chấn mạnh.
Bị nhiễm bẩn nặng, do cọ xát trên mặt đất, bị thương ở những nơi dễ nhiễm khuẩn như trại chăn nuôi, cống rãnh, được cấp cứu sau 8 giờ.
Có tổn thương mạch máu, đòi hỏi phải khâu mạch máu cấp cứu, mổ tái tạo. Các thương tích do hỏa khí, bom mìn, hay gãy xương lớn do các tai nạn giao thông đè lên là những tổn thương đặc biệt nặng.
Các biện pháp xử trí
Khi gặp phải những trường hợp này, điều đầu tiên là phải cầm máu đúng kỹ thuật, phải ưu tiên chống sốc nhất là những trường hợp nặng, truyền dịch, cố định vết thương và chuyển ngay đến cơ sở y tế để bệnh nhân được cấp cứu.
Phẫu thuật là biện pháp được áp dụng cho GXH. Mục đích là để làm sạch vết thương, nếu có gây mê hồi sức tốt và tùy tình trạng bệnh nhân có thể giải quyết nhiều thương tích một lần, tránh phải gây mê nhiều lần. Phẫu thuật còn để cắt lọc các phần bị dập nát và làm sạch vết thương, các dây thần kinh, mạch máu, xương hở đều được che bằng các vạt da lân cận. Nhưng không nên khâu da ngay để phòng hoại thư sinh hơi mà phải điều trị vết thương tốt sau vài ngày mới có thể khâu kín vết thương. Nếu nghi ngờ vết thương chưa sạch có thể làm sạch bằng dung dịch sát khuẩn ít hại đến phần mềm, toàn thân cần tiêm tĩnh mạch kháng sinh liều cao, tiêm phòng vacxin uốn ván.
Việc cố định xương gãy nói chung không nên dùng các loại đinh nội tủy, nẹp vít. Phương tiện cố định ngoài có tác dụng cố định xương gãy phức tạp, đỡ nhiễm trùng, giải phóng các khớp là phương pháp được các chuyên gia chấn thương khuyến khích dùng. Tuy vậy các loại cố định ngoài quá phức tạp, không nên dùng trong cấp cứu mà dùng các dóng đỡ một bên, để dễ dàng săn sóc vết thương, mô tái tạo bằng các vạt da che phủ phần mềm quan trọng.
Mặc dầu có nhiều biện pháp tích cực để điều trị GXH nhưng vẫn tồn tại một tỷ lệ kết quả không hoàn hảo: chi so le, trục xoay, mất đoạn xương, khớp giả, nhiễm trùng kinh điển không liền xương... Nguyên nhân có thể do tình trạng bệnh nhân vào viện bị đa chấn thương, hôn mê, vỡ nội tạng, gãy cột sống kèm GXH. Bệnh nhân cần được chăm sóc đa chấn thương, dinh dưỡng, phục hồi chức năng sau mổ, các hậu quả khác còn phải giải quyết ở nhiều giai đoạn tiếp theo.
Trong chiến tranh, GXH là vấn đề thường gặp, còn trong hòa bình thì chấn thương này phần lớn là do tai nạn giao thông gây ra. Chính vì vậy phòng ngừa GXH không gì quan trọng hơn là đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông. Nếu không may gặp phải chấn thương GXH cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến các cơ sở y tế để xử trí kịp thời.
GS. DƯƠNG ĐỨC BÍNH