Gần đây, những người quan sát bầu trời tại Mỹ, Anh và Canada đã phát hiện những đám mây dạ quang kỳ lạ. Cho đến nay, nguồn gốc của chúng vẫn là một bí ẩn đối với loài người.
Tuần trước, những người quan sát bầu trời ở Bắc Mỹ và một số quốc gia châu Âu đã phát hiện một loạt các vệt sáng lung linh trên bầu trời đêm. Những vệt màu xanh bạc chỉ tỏa sáng rực rỡ sau khi Mặt trời biến mất dưới đường chân trời, theo Washington Post.
Những đám mây khiến người xem say mê với vẻ ngoài tuyệt đẹp nhưng có phần kỳ lạ.
Đây không phải là những đám mây bình thường. Các nhà nghiên cứu cho biết những đám mây dạ quang phát sáng vào ban đêm này là những đám mây hiếm nhất, khô nhất và cao nhất trên Trái đất.
Mây dạ quang thường xuất hiện vào cuối mùa xuân và có thể xuất hiện trong nhiều buổi tối mùa hè. Tuy nhiên, theo dữ liệu vệ tinh, tần suất xuất hiện của mây dạ quang trong năm nay dày đặc hơn nhiều so với 15 năm trước.
Mây dạ quang trên bầu trời Seattle. (Ảnh: Twitter/@NWSSeattle).
Vẻ đẹp mê hoặc
“Mọi người ở miền Bắc nước Mỹ và Canada hoàn toàn có thể nhìn thấy mây dạ quang trong những ngày cuối tuần. Chúng ta đang ở gần đỉnh điểm của mùa mây dạ quang. Ngay cả khi không có những sự kiện bất thường, chúng vẫn có thể xuất hiện ở phía bắc”, Cora Randall, giáo sư tại Đại học Colorado Boulder, cho biết.
Các đám mây thường xuất hiện gần các cực, nhưng đôi khi cũng xuất hiện ở vĩ độ thấp hơn. Những cảnh tượng hiếm hoi được báo cáo từ bang Oregon, Washington và các quốc gia khác như Canada, Anh và Đan Mạch trong vài ngày qua.
Để nhìn thấy những đám mây dạ quang, người quan sát cần phải hướng tầm mắt về phía chân trời và nhìn về phía bắc.
“Không có bất cứ thứ gì giống những đám mây dạ quang này cả”, Cơ quan Thời tiết Quốc gia ở Seattle viết trên Twitter.
Những đám mây dạ quang ở Keller, Washington. (Ảnh: Washington Post).
Những đám mây dạ quang còn được gọi là mây tầng trung lưu vùng cực. Loại mây này được cho là cấu thành từ những tinh thể băng ở tầng trung lưu, độ cao từ 75 đến 85 km. Khoảng 99,99% khí quyển nằm phía dưới tầng này.
Chúng hình thành khi hơi nước ngưng tụ xung quanh các hạt bụi cực nhỏ lơ lửng ở tầng trung lưu và đóng băng, hình thành các tinh thể băng.
Mây dạ quang thường phát sáng màu xanh hoặc trắng sáng, xuất hiện vào khoảng hoàng hôn hoặc bình minh. Không giống như các đám mây khác, chúng hình thành ở trên cao đến mức có thể tiếp tục phản chiếu ánh sáng sau khi Mặt trời lặn xuống đường chân trời.
Nguyên nhân của sự bất thường
“Mùa mây này khá bất thường trong những ngày gần đây. Những đám mây bắt đầu xuất hiện như thông thường, nhưng tần suất mây xuất hiện tăng lên đáng kể vào tuần trước”, Randall, nhà nghiên cứu của sứ mệnh Aeronomy of Ice in the Mesosphere (AIM) thuộc NASA, cho biết.
Bà cho biết tần suất của các đám mây dạ quang trong những ngày qua cao hơn nhiều so với những gì AIM quan sát được trong 15 năm.
Mây dạ quang dựa vào hai thành phần chính trong tầng trung lưu là hơi nước và nhiệt độ. Randall và đồng nghiệp Lynn Harvey cho biết dữ liệu từ vệ tinh Aura của NASA cho thấy nhiệt độ tại ranh giới tầng trung lưu đã tăng lên trong vài ngày qua.
Tuy nhiên, nồng độ hơi nước tại thời điểm này trong năm đang ở mức cao kỷ lục trong vòng 15 năm quan sát.
“Sự gia tăng nhiệt độ không tốt cho các đám mây, nhưng sự gia tăng hơi nước sẽ rất thuận lợi”, Randall nói.
Bà cho biết sự gia tăng hơi nước có thể gắn liền với các vụ phóng tên lửa. Trước đây, các nhà nghiên cứu phát hiện ra hơi nước thoát ra từ các tên lửa có thể dẫn đến sự hình thành mây dạ quang.
“Ít nhất 16 tên lửa đã được phóng vào tháng 6. Bất kỳ tên lửa nào trong số đó có thể chịu trách nhiệm cho việc hình thành mây dạ quang”, Michael Stevens, nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Hải quân Mỹ, nói.
Mây dạ quang tại Vancouver, Canada. (Ảnh: Twitter/@Stturner4669).
Stevens khẳng định hai vụ phóng tên lửa từ Mỹ vào ngày 18 và 19/6 là ứng cử viên phù hợp nhất cho việc hình thành mây nhiều bất thường. Có thể mất đến 10 ngày để luồng hơi nước từ tên lửa bay tới tới vĩ độ hình thành mây. Tuy nhiên, đây mới là lời giải thích sơ bộ và cần phân tích thêm để xác nhận.
Nhà khoa học khí quyển Matthew Deland cho biết vụ phun trào từ núi lửa dưới nước Hunga Tonga vào ngày 15/1 cũng bơm một lượng lớn hơi nước vào tầng bình lưu. Ngọn núi lửa thậm chí còn phun ra vật chất cao đến gần 60 km và chạm tới tầng trung lưu. Vụ phun trào lập kỷ lục thế giới về cột núi lửa cao nhất được ghi nhận bằng vệ tinh.
Tuy nhiên, Deland cho biết có thể mất một thời gian nhất định để thấy sự ảnh hưởng của vụ phun trào tới các đám mây.
Ông cũng nhận định rằng các đám mây xuất hiện ở những khu vực có vĩ độ thấp hơn như Seattle là không phổ biến và khó tồn tại trong thời gian còn lại. Nó phụ thuộc vào luồng lưu thông nhiệt độ hoặc hơi nước xuống khu vực vĩ độ thấp.
Trong những dịp hiếm hoi những năm gần đây, những đám mây dạ quang đã xuất hiện tại London, trung tâm California và Oklahoma.
“Chúng thực sự rất đáng chú ý. Những đám mây thực sự chỉ tỏa sáng trên bầu trời tối tăm”, Deland nói.