Ý tưởng đánh tan siêu bão bằng bom hạt nhân của nhà khoa học Mỹ

Nhà khí tượng học Jack W. Reed từng đưa ra ý tưởng đẩy lùi bão bằng uy lực khủng khiếp của vũ khí hạt nhân.

Bão Harvey mạnh cấp 4 đổ bộ bang Texas ngày 25/8 là cơn bão mạnh nhất tấn công nước Mỹ trong 12 năm, gây mưa lớn và gió mạnh phá hủy nhiều nhà cửa, khiến ít nhất 30 người thiệt mạng. Trước đó, siêu bão Hato đổ bộ vào Trung Quốc hôm 23/8 với sức gió lên tới 162km/h cũng phá hủy nhà cửa và cướp đi sinh mạng của nhiều người.

Chứng kiến sức hủy diệt của các trận siêu bão, nhiều nhà khoa học trong lịch sử đã nảy ra những ý tưởng nhằm chống lại hiện tượng thời tiết cực đoan này. Cách đây 60 năm, nhà khí tượng học người Mỹ Jack W. Reed từng đưa ra giải pháp sử dụng bom hạt nhân để chủ động tấn công và đẩy lùi bão.


Bão gây ra những thiệt hại khủng khiếp đối với con người. (Ảnh: National Geographic).

Giai đoạn cuối thập niên 1950, đầu thập niên 1960 là thời kỳ cao điểm của Chiến tranh Lạnh, khi nhân loại bắt đầu ý thức được sức hủy diệt khủng khiếp của vũ khí hạt nhân và e sợ chúng.

Để thay đổi quan niệm của dân chúng rằng bom hạt nhân chỉ là thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt đáng sợ, năm 1958, Mỹ quyết định thực hiện dự án Plowshare nhằm sử dụng sức mạnh hạt nhân vào mục đích hòa bình.

Trong dự án Plowshare, các nhà khoa học Mỹ được giao nhiệm vụ tìm kiếm các công dụng hòa bình của bom hạt nhân. Dự án tìm hiểu các phương thức sử dụng bom hạt nhân trong việc đào hầm, nghiên cứu địa chất và sản xuất năng lượng. Nhà Trắng cũng đã tiến hành một số vụ nổ hạt nhân để phục vụ cho dự án này.

Những người phụ trách dự án cũng nhận được nhiều đề xuất về việc sử dụng bom hạt nhân cho mục đích hòa bình, trong đó có dự án táo bạo "tấn công bão bằng vũ khí hạt nhân" của nhà khí tượng trẻ Reed.

Reed là nhà khí tượng học của không quân Mỹ giai đoạn cuối Thế chiến II. Ông hoạt động ở Philippines năm 1946 và từng đảm nhận 8 nhiệm vụ vượt bão với máy bay B-29. Sức mạnh của những cơn bão để lại nỗi ám ảnh sâu sắc với Reed.

Sau này, ông tham gia chương trình thử nghiệm hạt nhân và nghiên cứu ảnh hưởng về thời tiết của các vụ nổ hạt nhân. Trong suốt thời gian ở đây, ông đã hình thành ý tưởng sử dụng sức mạnh hạt nhân để đánh tan bão.

Ý tưởng ban đầu của ông chỉ là sử dụng bom hạt nhân làm suy yếu và thay đổi đường đi của bão. Để đạt được mục đích này, ông gợi ý kích nổ vũ khí hạt nhân giữa không trung, ngay ngoài mắt bão.

"Vụ nổ như vậy có thể ảnh hưởng lớn đến những dòng lưu chuyển ngang của cơn bão trong ít nhất 15 phút. Nếu thực hiện vụ nổ ở một bên hoặc hai vụ nổ ở hai bên đối diện thì có thể khiến sự lưu chuyển của bão mất cân đối đáng kể", Reed viết trong đơn đề xuất nộp lên hội đồng Plowshare.

Nhưng đó mới chỉ là đề xuất ban đầu của Reed. Điều ông thực sự muốn là thả một quả bom hạt nhân vào ngay giữa tâm bão. Theo Reed, mắt bão ấm hơn khoảng 10 độ so với phần còn lại. "Vụ nổ tương đương sức mạnh của một triệu tấn thuốc nổ ở mắt bão sẽ bao bọc và cuốn theo một lượng lớn khí nóng ra khỏi tâm bão, tiến vào tầng bình lưu", ông nhận định.


Dự án Plowshare sử dụng bom hạt nhân vào những mục đích hòa bình. (Ảnh: Oddly Historical).

Do bị nhiệt lượng khổng lồ tỏa ra từ vụ nổ bom hạt nhân làm nóng, khối khí ở tâm bão sẽ bốc lên, kéo theo khí nóng trong mắt bão. Khí lạnh hơn ở rìa bão sẽ tràn vào lấp khoảng trống này và làm chậm, thậm chí làm ngừng bão.

Về cách đưa bom hạt nhân vào tâm bão, Reed viết: "Việc vận chuyển không thành vấn đề. Thả từ trên cao xuống là biện pháp hoàn toàn khả thi".

Tuy nhiên, ông cũng đề xuất một cách vận chuyển vũ khí hạt nhân phù hợp hơn, đó là dùng tàu ngầm. "Nó sẽ thâm nhập vào mắt bão từ dưới nước trước ít nhất một ngày và thu thập nhiều dữ liệu nhất có thể trước khi phóng tên lửa hạt nhân". Với cả hai phương pháp, Reed cho rằng một vũ khí hạt nhân có sức nổ tương đương 20 triệu tấn thuốc nổ TNT là đủ để tác động đến cơn bão.

Reed đề xuất ý tưởng này lần đầu vào năm 1956 và muốn đưa vào dự án Năm Địa Vật lý Quốc tế - dự án cộng tác khoa học giữa 67 quốc gia trên thế giới. Đề xuất của Reed bị bác bỏ nhưng ông không nản lòng. Ông gửi lại ý tưởng của mình đến Plowshare năm 1959 và tiếp tục bị từ chối.

"Tấn công hạt nhân một cơn bão không phải là cách giải quyết", Dennis Feltgen đến từ Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ cho biết. Randall Munroe, cựu lập trình viên tại NASA, cũng không đồng tình với biện pháp này.

Chris Landsea thuộc Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ giải thích lý do ý tưởng của Reed hoàn toàn bất khả thi là khó khăn trong việc đánh giá mức năng lượng cần thiết của quả bom hạt nhân để có thể thay đổi cơn bão.


Jack W. Reed muốn thả bom hạt nhân vào mắt bão. (Ảnh: National Geographic).

Một cơn bão phát triển hoàn chỉnh có thể giải phóng nhiệt năng gấp 5 đến 20 lần 1013 W và chuyển đổi dưới 10% sức nóng thành năng lượng gió. Năng lượng này lớn hơn rất nhiều lần so với bom hạt nhân. Theo Niên giám Thế giới 1993, toàn nhân loại sử dụng năng lượng ở mức 1013 W trong năm 1990, chỉ bằng 20% năng lượng của một siêu bão.

Bất chấp những tính toán của Reed, Landsea cho rằng phần lớn bão nhiệt đới mạnh hơn vũ khí hạt nhân. Đó là chưa kể những hậu quả mà vụ nổ để lại, bởi bụi phóng xạ từ vụ nổ hạt nhân có thể gây ra hậu quả rất khủng khiếp.

Reed thì không lo lắng về bụi phóng xạ. "Thiết bị dọn dẹp sẽ giúp giảm tối đa những gì sót lại trong không khí. Một vụ nổ trên cao sẽ không để lại bụi phóng xạ quá nhiều. Những đám mây thì nằm phía trên cơn bão nên cũng tránh được mưa phóng xạ", Reed viết trong đơn đề xuất năm 1959.

Reed qua đời năm 2007. Ông vẫn kiên trì với dự án của mình đến tận năm 2004. Tuy nhiên, phần lớn các nhà khoa học cho rằng việc chống lại thiên nhiên bằng bom hạt nhân không phải là một ý tưởng hay.

Cập nhật: 31/08/2017 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video