Không chỉ dơi và các loài động vật sống về đêm khác phải chịu tác động của ô nhiễm ánh sáng, mà cả con người cũng vậy.
Loài người thích ánh sáng. Chúng ta đam mê ánh mặt trời, khoan khoái tận hưởng ánh nắng chan hòa của mẹ thiên nhiên. Về đêm, chúng ta ngưỡng mộ những ánh đèn rực rỡ của đường phố, hàng quán, trầm trồ trước sự phát triển và lung linh của các đô thị.
Nhưng tình yêu với ánh sáng của loài người có lẽ đã hơi đi vượt giới hạn mà lấn át bóng tối - một yếu tố tự nhiên không thể thiếu trong đời sống chúng ta. Loài người "nghiện" ánh sáng đến mức tạo ra khái niệm mà những người sống ở thế kỷ 18 có lẽ chưa thể hình dung được: ô nhiễm ánh sáng.
Ô nhiễm ánh sáng ảnh hưởng đến hệ sinh thái ra sao?
Đối với loài dơi, buổi tối không phải là lúc để chúng nghỉ ngơi, mà đó là một khoảng thời gian sinh tồn. Loài vật này, trong suốt 55 triệu năm qua, vẫn luôn sống về đêm. Không có một loài nào trong số 1.400 loài dơi còn tồn tại đến ngày này có khả năng thích nghi với ánh sáng chói chang của ban ngày. Bóng tối là sự an toàn của chúng, và các giác quan của loài dơi cũng được hình thành để thích nghi với sự tối tăm.
Sau 55 triệu năm, loài dơi vẫn không có khả năng thích nghi với ánh sáng ban ngày.
Ngược lại, con người là loài động vật sống ban ngày, và ánh sáng là sự an toàn của chúng ta. Nỗi sợ bóng tối ăn sâu vào các khía cạnh của loài người, từ bản năng di truyền cho đến văn hoá. Không có gì lạ khi chúng ta vẫn thắp sáng các khu vườn, các nhà máy vào buổi tối. Nhân loại đã kéo dài thời gian chiếu sáng qua khỏi thời khắc hoàng hôn, đồng thời vắt kiệt những loài vật đang tìm kiếm một góc tối cho mình.
Chúng ta gọi đây là hiện tượng ô nhiễm ánh sáng - khi ánh sáng nhân tạo từ đèn đường và các tấm bảng quảng cáo rọi chiếu vào thiên nhiên. Ngay từ năm 1880, các nhà thiên văn học người Anh đã phàn nàn rằng ánh sáng nhân tạo từ thành phố London đang cản trở tầm nhìn ban đêm và khả năng nhìn thấy các vật thể trong không gian của họ.
Nhưng đó mới chỉ là khởi đầu. Chưa đến một phần ba dân số thế giới có thể nhìn thấy dải Ngân hà, và ở châu Âu, sẽ sớm có cả một thế hệ chưa bao giờ nhìn thấy nó. Không chỉ ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ, ô nhiễm ánh sáng còn phá vỡ nhịp điệu tự nhiên và hành vi của các loài động - thực vật.
Hiện tượng ô nhiễm ánh sáng ảnh hưởng rất lớn đến việc nghiên cứu thiên văn học.
Trong vài năm nay, ngày càng có nhiều nhà khoa học quan tâm đến tác động của ánh sáng đối với sinh lý học và sinh thái học. Chúng ta đã bắt đầu chú ý đến hậu quả của việc thiếu bóng tối; đáng chú ý nhất là sự tuyệt chủng của các loài động vật có sừng và sống về đêm, các loài động vật không thể di chuyển mà không có bóng tối, và cả bầu trời đầy sao.
Ngoài vấn đề nóng lên toàn cầu, ô nhiễm rác thải nhựa, nạn phá rừng, ô nhiễm tiếng ồn và các vấn đề khác do con người gây ra, chúng ta cũng cần phải chịu trách nhiệm vì đã tạo ra quá nhiều ánh sáng.
Tất cả chúng ta đều đang xem thường vũ điệu của cái chết được biểu diễn bởi những con bướm đêm bay quanh ngọn đèn đường vào những buổi tối tháng Tám. Các loài côn trùng sống về đêm vốn di chuyển nhờ vào ánh trăng và sao đang bị đánh lừa bởi những ngọn đèn đường. Điều này sẽ kéo chúng đến gần nguồn sáng hơn, và rồi chết vì kiệt sức, vì sức nóng từ ngọn đèn, hay trở thành nạn nhân của những kẻ săn mồi vẫn đang chờ chực.
Các loài côn trùng bị đánh lạc hướng bởi ánh đèn đường. Một số nhà khoa học gọi đây là "vũ điệu cái chết" của chúng.
Ở quy mô lớn hơn, không chỉ có các loại côn trùng ở khu vực đô thị bị ảnh hưởng, mà toàn bộ hệ sinh thái đang bị “lôi kéo" từ vùng tối đến khu đô thị sáng đèn. Hiện tượng này được gọi là “hiệu ứng máy hút bụi", cùng với thuốc trừ sâu và quá trình đô thị hóa, trở thành một trong những nguyên nhân gây ra nạn côn trùng chết hàng loạt hiện nay.
Tất nhiên, vấn đề này không chỉ giới hạn ở các loài côn trùng. Những chú chim bay vào ban đêm cũng dễ bị lệch hướng và đâm vào các tòa nhà cao chọc trời. Các chú rùa biển mới nở, theo bản năng đáng lẽ nên bò theo ánh sáng của đường chân trời để ra biển, thì nay bị lạc vào các khách sạn ven biển. Các loài san hô vốn dựa theo chu kỳ Mặt trăng để giao phối nay không thể xác định được ánh trăng nữa. Cây cối trong thành phố rụng lá muộn hơn vì ánh sáng từ các tòa nhà "thuyết phục" chúng rằng bây giờ vẫn còn là mùa hè.
Loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng vì ánh sáng
Vào năm 2020, lần đầu tiên loài dơi tai dài màu nâu được Thụy Điển liệt vào danh sách các loài có nguy cơ tuyệt chủng. Đây có thể là loài đầu tiên trong nước này, hoặc có thể là loài đầu tiên ở châu Âu, lọt vào danh sách nguy cấp do ô nhiễm ánh sáng.
Loài dơi tai nâu được Thuỵ Điển liệt kê vào danh sách động vật gặp nguy hiểm.
Loài dơi này thường sống trên các gác xép của nhà thờ, nơi chúng sinh sản và nuôi con nhờ vào nguồn thức ăn dồi dào trong sân vườn. Nhưng trong 30 năm qua, hệ thống chiếu sáng từ mặt tiền của nhà thờ đã biến ngôi nhà tối tăm trở thành hòn đảo của ánh sáng.
Nhà động vật học Johan Eklof hy vọng rằng với những hiểu biết về sự sống trong bóng tối - từ các loài côn trùng, dơi hay mở rộng ra toàn bộ hệ sinh thái - sẽ thuyết phục chúng ta rằng việc bảo vệ bóng tối tự nhiên cũng là một điều cần được ưu tiên.
Thay vì trở thành một mối đe dọa hoặc một điều bất tiện, thì bóng tối cần được ghi nhớ trong tâm trí của chúng ta như một nguồn tài nguyên quý giá cần được bảo tồn, cũng như rất nhiều môi trường sống tự nhiên khác.