Yên Bái phát hiện hóa thạch thuộc hệ tầng Cổ Phúc, có mặt cách ngày nay 23 đến 5 triệu năm, chúng lộ ra ở các huyện Trấn Yên, Văn Yên (Yên Bái).
Hóa thạch lá cây được tìm thấy (Ảnh: THANH SƠN).
Ông Hoàng Tiến Long, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Yên Bái cho biết, thực hiện công tác khảo cổ, ngày 24/5, Bảo tàng Yên Bái phối hợp cùng Bảo tàng Địa chất tiến hành khảo cổ tại khu vực Minh Long, xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái. Qua đó, phát hiện nhiều hiện vật hóa thạch có niên đại từ 23 đến 5 triệu năm.
Cán bộ Bảo tàng tỉnh Yên Bái trao đổi nghiệp vụ tại hiện trường tìm thấy hóa thạch (Ảnh: THANH SƠN).
Các hóa thạch có tầng phát lộ dễ nhìn nhận, do khu vực này trước đây đã được múc đất, phục vụ làm gạch thủ công nhiều năm trước.
Ông Trương Quang Quý, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin, Lưu trữ và Bảo tàng Địa chất đánh giá, hóa thạch trên thuộc hệ tầng Cổ Phúc, có mặt cách ngày nay 23 đến 5 triệu năm, chúng lộ ra ở các huyện Trấn Yên, Văn Yên (Yên Bái).
Ông Trương Quang Quý, Bảo tàng Địa chất trước hiện vật được tìm thấy (Ảnh: THANH SƠN).
Các thành tạo Neogen được xếp vào hệ tầng này chỉ phân bố dọc theo hai bên bờ sông Hồng. Chúng nằm không chỉnh hợp lên các trầm tích Đevon và bị phủ bởi các trầm tích Đệ tứ.
Các hóa thạch tìm thấy là các lá cây, nhuyễn thể trai trai cùng nhiều hiện vật khác.
Hóa thạch nhuyễn thể trai trai được phát hiện (Ảnh: THANH SƠN).
Hiện Bảo tàng tỉnh Yên Bái đang tiến hành các thủ tục cần thiết để khoanh vùng bảo vệ, lập phương án mở rộng tìm kiếm, nhằm góp phần phục vụ công tác khảo cổ trong thời gian tới.