Ảo ảnh thị giác đang "hot rần rần" trên mạng xã hội cho thấy, não bộ của chúng ta dễ bị lừa thế nào

  •   3,84
  • 1.843

Nhìn chung thì với một bộ phận cư dân mạng, ảo ảnh thị giác vẫn luôn là một chủ đề được yêu thích. Đó là những hình ảnh có thể cho bạn thấy cảm nhận và giác quan của con người có thể dễ bị lừa đến mức nào, và chẳng ai ngoại lệ cả.

 Một ảo ảnh thị giác đang hot gần đây.
Một ảo ảnh thị giác đang hot gần đây. (Ảnh minh họa).

Mới đây, bác sĩ Julie Smith - nhà tâm lý học đã đăng tải lên TikTok cá nhân video về một ảo ảnh thị giác như thế. Và nó có liên quan đến những tấm hình âm bản, giống như bức hình trên đây.

Mở đầu video, Bác sĩ Smith cho biết cô có thể lừa não bộ của chúng ta nhìn một tấm ảnh đen trắng thành có màu. Video lúc này cũng sẽ có màu đen trắng.

Bác sĩ Julie Smith.
Bác sĩ Julie Smith.

Nhưng làm thế nào để nhìn bức ảnh trên ra có màu được? Đó là một tấm ảnh khác được đặt dưới dạng âm bản. Hãy thử nhìn vào dấu X trên trán Smith trong tấm ảnh dưới đây một cách thật tập trung, không chớp mắt trong vòng 30 - 45s, bạn sẽ thấy sự kỳ diệu xảy ra.

Hiện tượng này gọi là hiệu ứng Troxler.
Hiện tượng này gọi là hiệu ứng Troxler.

Hiện tượng gì đã xảy ra?

Nó được gọi là hiệu ứng Troxler - đặt theo tên của nhà khoa học tìm ra nó. Căn nguyên của hiện tượng này là những thụ thể cảm nhận ánh sáng có trong võng mạc. Thông thường, các tế bào này nhận ánh sáng rồi chuyển thành tín hiệu gửi đến não bộ. Não phân tích tín hiệu rồi tạo ra hình ảnh mà chúng ta thấy.

Nhưng khi ép được mắt giữ yên vào một điểm, có nghĩa những tín hiệu ánh sáng mắt thu được là giống nhau. Sau một khoảng thời gian, sự nhạy cảm với tín hiệu này sẽ yếu đi, buộc não phải giảm cường độ các tín hiệu khác để tập trung xử lý. Kết quả, các hình ảnh xung quanh sẽ dần tan biến.

Và dành cho những ai chưa biết, các hình ảnh âm bản có tính chất kích thích khá mạnh. Khi nhìn vào nó trong thời gian dài, các tế bào hình nón trong mắt bắt đầu mất dần khả năng cảm nhận sắc màu, qua đó gửi đi những tín hiệu yếu hơn.

Nhưng để hiểu hơn một chút, hãy đến với thuyết đối lập màu sắc. Theo đó cảm nhận màu được quản lý bằng cơ chế đối nghịch, với 3 kênh là: lam đối vàng; đỏ đối lục; trắng đối đen. Các kênh có thể kết hợp với nhau, tạo ra các màu như lục lam, vàng đỏ (cam), nhưng mỗi kênh chỉ cho chúng ta cảm nhận 1 màu duy nhất trong 1 thời điểm. Vậy nên bạn sẽ không bao giờ thấy được màu lục đỏ cả.

Quay trở lại với ảo ảnh thị giác trên, do tấm hình âm bản có một phần màu lục, các tế bào hình nón sẽ giảm khả năng cảm nhận màu sắc này xuống, gửi đi các tín hiệu yếu hơn. Nhưng khi chuyển về trắng đen, thụ thể đối nghịch - là đỏ - lại phát ra tín hiệu mạnh hơn. Thiếu đi lục, não bộ sẽ nghĩ bạn đang nhìn vào màu đỏ, dù thực tế thì không phải.

Điều tương tự xảy ra với các màu sắc khác trong tấm hình âm bản. Và rốt cục, bạn sẽ nhìn thấy một tấm hình màu hoàn chỉnh (trong thời gian ngắn thôi), dù nó thực chất có màu đen trắng.

Cập nhật: 12/07/2021 Theo Pháp luật và bạn đọc
  • 3,84
  • 1.843