Bảo trì kính thiên văn vũ trụ Hubble

  •  
  • 507

Giám đốc cơ quan Nasa - Mike Griffin nói sẽ gửi tàu con thoi cùng phi hành đoàn lên bảo trì kính thiên văn Hubble đang nằm trên quỹ đạo gần trái đất. Từ khi được phóng lên không trung Hubble đã gửi về nhiều hình ảnh quý giá nhưng nếu không được bảo dưỡng sẽ chóng hư hỏng.

Giám đốc cơ quan Nasa - Mike Griffin

Giám đốc cơ quan Nasa - Mike Griffin (Ảnh: cfnews13)

Tiến sỹ Griffin nói với các nhân viên Nasa rằng với hệ thống phóng tàu con thoi hiện nay, ông nghĩ rằng việc gửi phi hành gia lên bảo trì kính Hubble nay có thể thực hiện không gặp nguy hiểm gì. Phi vụ này sẽ sử dụng tàu con thoi Discovery và có thể được tiến hành vào năm 2008.

Không có bảo dưỡng, Hubble sẽ thôi hoạt động trong chừng hai hoặc ba năm nữa.  Các bộ phận nạp điện và máy nâng của Hubble đang xuống cấp, cần được thay thế.  Các phi hành gia cũng sẽ lắp đặt hai dụng cụ mới là máy chụp hình Wide Field Camera 3 (WFC3), và máy ghi Cosmic Origins Spectrograph (COS). Các dụng cụ mới này sẽ cải thiện trông thấy khả năng nhìn xa và nhìn rõ của Hubble.

Không nguy hiểm

Việc bảo dưỡng sẽ kéo dài tuổi thọ của Hubble tới ít nhất là năm 2013, và vào lúc đó Nasa sẽ có thể sẵn sàng để phóng kính thiên văn James Webb thay thế. Quyết định của tiến sỹ Griffin trái ngược với ý kiến của người tiền nhiệm là Sean O'Keefe, người đã hủy phi vụ tương tự sau thảm họa tàu con thoi Columbia năm 2003.

Tấm cách nhiệt của tàu Columbia bị hư hại trong lúc phóng lên và tàu này đã bị phá hủy khi quay về bầu khí quyển 16 ngày sau. Ông O'Keefe đã quyết định áp dụng chính sách an toàn, quy định các tàu bị hư hại sẽ phải đỗ lại Trạm Không gian cho tới khi có tàu lên giải cứu.

Từ đó không có chuyến tàu nào được phóng lên để sửa chữa kính Hubble vì các tàu con thoi thường không chứa đủ nhiên liệu để bay vòng quanh quỹ đạo của trạm quan sát và trạm không gian. Nay với quyết định của ông Griffin, Nasa cần chuẩn bị chính sách mới để đề phòng tàu con thoi gặp hư hại khi vào quỹ đạo.

Kính thiên văn vũ trụ Hubble
(Ảnh: cfnews13)

Tàu con thoi Discovery
(Ảnh: cfnews13)

Theo BBC
  • 507