Từ xối nước lạnh vào đầu đến quấn chặt trong vải ướt, sau đó bó thêm một lớp cao su rồi quẳng vào bồn nước nóng suốt vài ngày liền... Các "y thuật gia" của thế kỷ XIX thật sự đã có vô vàn "sáng tạo" trong biện pháp "thủy trị liệu" chữa bệnh tâm thần.
Thế kỷ 19 là thời đại của sự đổi mới lớn trong hệ thống cấp thoát nước tại châu Âu. Dưới lòng các thành thị hiện đại, cống ngầm được xây dựng chằng chịt. Trong nhà của nhiều hộ cũng có phòng vệ sinh với cả bồn cầu lẫn bồn tắm, vòi hoa sen tiện nghi không kém gì bây giờ.
Nhưng ở thời đại này, câu chuyện "đi tắm" có một lịch sử đen tối mà ít người biết đến, thông qua cái gọi là "liệu pháp thủy trị liệu".
Thực chất, chuyện sử dụng nước để chữa "bệnh tâm thần" đã không đợi đến thế kỷ XIX mới bắt đầu. Từ thế kỷ XVII, một bác sĩ tên Jan Baptist van Helmont đã đưa ra biện pháp "thủy trị liệu" cực kỳ đáng sợ. Đó là dìm đầu bệnh nhân xuống ao hoặc xuống biển.
Ở thời đại này, câu chuyện "đi tắm" có một lịch sử đen tối mà ít người biết đến.
Lý do là vì trước đó Helmont đã nghe đồn rằng, có một người điên bị ngã xuống ao trong lúc bỏ chạy. Kỳ diệu là sau lần suýt chết đuối ấy, người này lại tỉnh trí, trở lại bình thường. Vì thế, ông liền rút ra kết luận: Nước có thể... làm nguội đầu của người tâm thần.
Theo ghi chép của con trai Helmont thì ông thường lột trần bệnh nhân tâm thần, trói tay họ lại rồi ấn đầu họ xuống nước.
Bị nhấn nước như thế thì lẽ đương nhiên là không chỉ bệnh nhân tâm thần, mà bất cứ ai cũng có thể mất mạng. Thực tế, một số bệnh nhân của Helmont đã chết đuối. Thế nên, "phương pháp trị liệu" của ông cũng sớm thui chột. Nhưng khi thế kỷ XIX sang, mang theo các kiểu ống dẫn nước hiện đại, Châu Âu lại lần nữa hồi sinh "thủy trị liệu".
Lập luận của các lang y thế kỷ XIX về tiềm năng của "thủy trị liệu" khá đơn giản. Họ cho rằng bệnh thần kinh là do bộ não không ổn định mà ra. Bởi thế, thay vì nhúng cả người bệnh nhân vào nước, chỉ cần xối nước lạnh vào đầu họ là được. Cái lạnh của nước sẽ làm nguội não bộ và thế là lành bệnh.
Thiết kế thủy trị liệu của bác sĩ Alexander Morison.
Thường thì các y bác sĩ chỉ trói bệnh nhân lại để họ không quẫy đạp hay bỏ chạy, rồi đổ nước lên đầu họ. Nhưng cũng có một số bác sĩ đòi hỏi sự phức tạp hơn, ví dụ như Alexander Morison tại Scotland. Ông sáng tạo ra cách nhét bệnh nhân vào một cái hộp như một cái kén, chỉ để thò đầu ra ngoài. Và rồi cho một vòi nước từ trên cao xả nước xuống đầu họ.
Thiết kế thủy trị liệu của bác sĩ Joseph Guislan.
Bác sĩ Joseph Guislan của Bỉ cũng sử dụng cùng một cách với Morison, nhưng rùng rợn hơn ở chỗ ông xối nước lén. Ông cho đặt một bồn nước trên mái nhà của nạn nhân, sau đó trói nghiến họ và đặt dưới vòi nước, rồi cho người bất thần giật khóa, để nước ập xuống đầu họ.
Người xả nước cũng phải nấp kín, không để bệnh nhân nhìn thấy. Bởi sốc vì sợ hãi là một phần của biện pháp thủy trị liệu này.
Chán xối nước lạnh vào đầu rồi, các bệnh viện lại "đẻ" ra phương pháp nhúng nước nóng, chí ít cũng vài giờ. Đầu tiên, họ lấy vải ướt quấn chặt người bị bệnh tâm thần, sau đó còn bó thêm một lớp cao su bên ngoài.
Một vài minh họa về thủy trị liệu trong thế kỷ XIX.
Sau khi biến bệnh nhân thành "xác ướp" quấn cao su, các bác sĩ bỏ họ vào bồn nước nóng, để cho họ đổ mồ hôi mồ kê nhễ nhại suốt nhiều giờ, đôi khi còn cả vài ngày. Theo họ, đây là cách tốt nhất để đánh tan sự tắc nghẽn trong mạch máu não, loại bỏ độc tố gây ra bệnh điên.
Phải sang thế kỷ XX, thời đại của "thủy trị liệu" mới kết thúc.
Dù sao nói đi cũng phải nói lại. Chính nhờ 2 thế kỷ "thủy trị liệu" mà khoa tâm thần mới đúc rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, từ đó điều chỉnh và cải thiện phương pháp, trở nên đa dạng về cách thức chữa trị bệnh tâm thần như ngày nay.
Thủy trị liệu ngày nay.
Hiện tại, thủy trị liệu khá phổ biến, thường là ngâm nóng, ngâm lạnh, ngâm dược liệu... cho thư giãn.