Các tín hiệu kỳ lạ từ nơi sâu thẳm bên trong lòng Trái đất đã giúp các nhà khoa học xác định một thế giới không tưởng, sâu 3.000km bên dưới bề mặt, nơi tuyết giàu silicon đang rơi.
Ảnh đồ họa mô tả thế giới có "tuyết" rơi trong lòng Trái đất - (Ảnh: ĐẠI HỌC TOKYO).
Theo nhà địa chất học Suyu Fu từ Đại học Tokyo (Nhật Bản), thành viên nhóm nghiên cứu, họ đã tái tạo các điều kiện bên trong lõi ngoài của Trái đất trong phòng thí nghiệm để kiểm tra giả thuyết về "tuyết" silicon rơi ngược ra phía lớp phủ và lắng đọng thành các "dòng sông" kỳ lạ.
Mối hoài nghi đến từ việc sóng địa chấn thu được từ nơi sâu thẳm của Trái đất thường không nhất quán. Một trong các nơi gây ra sự "nhiễu" này là vùng vật chất mật độ thấp ở khoảng 3.000km bên dưới bề mặt, giữa lớp lõi ngoài giàu hợp kim sắt lỏng và lớp phủ, theo trích dẫn nghiên cứu trên tờ Science Alert.
Nghiên cứu mới đề xuất rằng nếu silicon và hydro là hai nguyên tố nhẹ chính của lõi ngoài, thì hiện tượng vật chất giống tuyết giàu silicon rơi vào lớp phủ có thể xảy ra.
Những kết quả từ phòng thí nghiệm cũng cho thấy dưới các điều kiện áp suất và nhiệt độ tương tự như lõi ngoài Trái đất, tuyết giàu silicon có thể hình thành và "bay" lên qua lớp sắt lỏng đặc hơn để tích tụ ở vùng ranh giới, tạo gây thứ làm nhiễu sóng địa chấn.
Chuyển động của lõi ngoài vốn điều khiển từ trường của hành tinh chúng ta - lớp áo giáp bảo vệ khỏi tác động của các tia vũ trụ có hại và thời tiết Mặt Trời. Vì vậy hiểu rõ hơn về khu vực sâu thẳm này, cách nó di chuyển và tương tác với lớp phủ, rất quan trọng trong việc dự đoán cách từ trường Trái đất có thể hoạt động trong tương lai.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp khí khoa học Nature.