Sau gần một tuần làm mưa làm gió, cơn bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và theo lý thuyết nó sẽ tiếp tục suy yếu rồi tan nhanh. Nhưng thực tế lại đem đến điều bất ngờ.
Hãng CNN hôm 22/9 đưa tin, sự bất thường của thời tiết đang là điều khiến nhiều con người lo lắng, bên cạnh đại dịch Covid-19.
Bão nhiệt đới "Xác sống" Paulette. (Ảnh: WSVN).
Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ (NWS) hôm 22/9 đã đăng tải dòng trạng thái trên Twitter, sử dụng thuật ngữ chưa từng sử dụng trong năm 2020 - "bão nhiệt đới xác sống" để chỉ một hiện tượng thời tiết cực hiếm.
Theo CNN, Paulette là "cơn bão nhiệt đới xác sống" được NWS nhắc đến. Cơn bão nhiệt đới này hình thành hồi đầu tháng 9 và được xem là một trong 5 cơn bão hình thành cùng lúc ở Đại Tây Dương. Đây là lần thứ 2 hiện tượng này xảy ra. Lần đầu tiên xảy ra năm 1971.
Bão nhiệt đới Paulette đổ bộ vào Bermuda, vùng lãnh thổ nước ngoài của Anh, khi ở cấp độ 1 và mạnh lên thành cấp độ 2 vào ngày 14/9. Nó "làm mưa làm gió" trong 5,5 ngày rồi giảm tốc độ và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Thông thường, bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới rồi tan biến nhưng Paulette là ngoại lệ.
Chỉ 2 - 3 ngày sau khi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, Paulette hôm 21/9 lại mạnh lên thành bão nhiệt đới, theo Trung tâm bão quốc gia Mỹ.
Các cơn bão "xác sống" như Paulette là cực hiếm nhưng nó đã từng xảy ra trước đây, theo nhà khí tượng học Brandon Miller.
"Các điều kiện có thể trở nên khó khăn để một cơn bão nhiệt đới duy trì được cường độ của nó, nhưng nếu không biến mất hoàn toàn, nó có thể hồi sinh vài ngày sau đó khi các điều kiện thuận lợi hơn", Miller nói.
Theo Miller, năm 2020 sẽ là thời điểm chính của những cơn bão kỳ quái.
"Năm 2020 là thời điểm lý tưởng để một cơn bão xác sống xuất hiện vì nhiệt độ nước cao hơn mức trung bình ở phần lớn Đại Tây Dương. Rõ ràng, chúng ta đang chứng kiến số lượng cơn bão kỷ lục và cơ hội để chúng hồi sinh cũng tăng lên", Miller nhận định.
Trước bão "xác sống" Paulette, lần gần nhất thế giới ghi nhận một cơn bão "xác sống" tương tự là vào năm 2004, với bão Ivan.