Bảo vệ các loài thủy hải sản có nguy cơ tận diệt

  •  
  • 738

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường Tây Nguyên và Đông Nam bộ, tại các nhà hàng ở tỉnh Kon Tum, giá cá chình nước ngọt đã gia tăng đột biến từ 120.000 đồng/kg vọt trên 350.000 đồng/kg, song hầu như vẫn không kiếm được cá chình tự nhiên để phục vụ các thực khách khó tính!

 

Humphead Wrasse, một loại cá khổng lồ đặc hữu ở các rạn san hô
Humphead Wrasse, một loại cá khổng lồ đặc hữu ở các rạn san hô (Ảnh: BBC)
Khu vực 3 xã có khả năng đánh bắt được cá chình nơi thượng nguồn các dòng suối lớn là Ngok Tem, Xã Hiếu, Măng Bút (huyện Kon Plong, Kon Tum) trong thời gian qua đã bị “cày xới” dữ dội bằng những biện pháp đánh bắt mang tính hủy diệt như xung điện, hoặc dùng các loại cây độc trộn với vôi bột, hóa chất... rải xuống những nơi có cá chình sinh sống. Hệ quả là không chỉ có loài cá này mà hàng loạt thủy sinh vật khác cũng có nguy cơ bị tuyệt diệt. 

Không chỉ có VN, nhiều nước trong khu vực cũng đang phải “đau đầu” vì tình trạng khai thác thủy hải sản bừa bãi để... phục vụ thực khách ham của lạ. Hải quan Indonesia mới đây đã bắt giữ một lô hàng khá đặc biệt: những con cá chình điện còn sống (Humphead Wrasse, một loại cá khổng lồ đặc hữu ở các rạn san hô).

Loại cá này có tên trong Phụ lục II của Công ước CITES, tức thuộc loại chỉ được khai thác và kinh doanh dưới sự kiểm soát rất chặt chẽ, song lại là loại hàng hóa thường xuyên bị buôn bán bất hợp pháp để phục vụ các nhà hàng sang trọng ở Hong Kong, Malaysia, Singapore và Trung Quốc... với giá gốc lên tới 100 USD/kg.

Đây là lần thứ 3 từ đầu năm tới nay Hải quan Indonesia bắt giữ những lô hàng bất hợp pháp loại này. Do cá rất đắt nên hầu như được xuất khẩu 100% mà không tiêu thụ tại thị trường nội địa Indonesia. Điều đáng nói là do được ưa chuộng, loại cá này hiếm có cơ hội sống được đến lúc trưởng thành.

Các nhà khoa học cho biết, cá có thể dài tới 2m, nặng 190 kg và sống lâu tới 30 năm, nhưng thường bị đánh bắt và “lên đĩa” khi còn ở độ tuổi “thiếu niên” vì tiêu thụ dễ dàng hơn và vì thói quen thích “dùng cá cả con” của thực khách châu Á. Hong Kong là thị trường tiêu thụ lớn nhất, song các thị trường châu Á khác cũng đang rất “hút hàng”.

Trên thực tế, nghiêm cấm hoàn toàn việc tiêu thụ các sản phẩm thuộc loại này là bất khả thi, song theo các nhà nghiên cứu quốc tế, giải pháp hợp lý nhất là siết chặt và thực hiện nghiêm túc các quy định nhằm kiểm soát chặt chẽ quá trình khai thác và mua bán sản phẩm động thực vật quý hiếm. Khi đó, mối quan hệ “nhiều bên cùng có lợi” sẽ được thiết lập: thương gia vẫn có thể mua bán sản phẩm, người tiêu dùng (có khả năng chi trả) vẫn sẽ được thưởng thức món ăn yêu thích của mình, còn các loài động thực vật quý hiếm vẫn sẽ tiếp tục có cơ hội sinh tồn trên trái đất...

Theo báo cáo mới nhất mà TRAFFIC, một tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế, chuẩn bị công bố chính thức: xu hướng buôn bán, tiêu thụ động thực vật hoang dã ở VN hiện nay đang tăng mạnh hơn bao giờ hết.

Đây chính là nguy cơ lớn nhất đối với nhiều loài động thực vật hoang dã, đẩy gần 700 loài tới bờ vực tuyệt chủng ở cấp quốc gia, hơn 300 loài có nguy cơ tuyệt chủng trên toàn cầu. Trong 10 năm qua, Sách Đỏ của VN “được” bổ sung tới 148 giống loài. So với Sách Đỏ công bố năm 1992, là “nguy cấp” thì nay Sách Đỏ VN đã phải sử dụng tới cụm từ “tuyệt chủng”. 46 loài khác được coi là ở mức độ “cực kỳ nguy cấp”, trong đó có hổ Đông Dương, bò biển, rắn hổ mang chúa và linh trưởng.

Theo Sài Gòn giải phóng, TTO
  • 738