Bất chấp bom, mìn chưa nổ và hiểm nguy từ sói dữ, nhiều người Iraq vẫn lao ra sa mạc Samawa để đào nấm truffle.
"Truffle, một thứ quà của Chúa", bà Zahra Buheir, thợ săn nấm truffle ở sa mạc Samawa (Iraq) chia sẻ với The Guardian. Bất chấp thời tiết khắc nghiệt trên sa mạc, những người như Zahra vẫn dành nhiều tuần để tìm truffle. Đó là chưa kể bom mìn còn sót lại ở vùng sa mạc phía nam Iraq này. Tất cả đều vì nguồn thu mà truffle đem lại cho những phận đời nghèo khổ.
Nghề thu hoạch nấm trên sa mạc đã được truyền qua nhiều thế hệ. Khi không có việc làm, truffle chính là nguồn sống của những người này.
Giá nấm truffle trên sa mạc Iraq rẻ hơn rất nhiều so với châu Âu. Theo The Guardian, loại nấm mà nhiều người phải đánh cược tính mạng trên sa mạc Samawa chỉ có giá khoảng 6 USD/kg. Trong khi đó, người anh em của nó ở châu Âu được bán với giá hàng trăm USD/kg.
Tuy nhiên, với nền kinh tế khủng hoảng như ở Iraq hiện nay, loại nấm này cũng giúp người dân nghèo vơi bớt gánh nặng. Năm nay, mưa đến muộn nên các thợ săn nấm chỉ kiếm được khoảng 1 kg/ngày. Con số chỉ bằng 1/10 những gì họ đào được vào năm mưa thuận gió hòa.
Họ dùng những thanh kim loại để đào đất, đá trên sa mạc.
"Chúng tôi sợ. Rất nhiều sói ở đây và cả mìn nữa. Đợt trước, một người đã chết", một thợ săn nấm kể. Theo The Guardian, tàn tích từ cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 vẫn còn đó. Nhiều người nhầm tưởng bom, mìn là nấm nếu không nhìn kỹ.
Căn lều của một thợ săn nấm trên sa mạc.
Salma Mohsen, thợ săn nấm 10 tuổi, chụp ảnh cùng thành quả của mình.
Cứ vài ngày, một vài thương lái lại đánh xe đến sa mạc để lấy nấm mang ra chợ bán.
Một người đàn ông xem xét nấm bán ở chợ Samawa.
Ra'ad Abdelemir, một thương nhân, phân loại nấm truffle trong lều ở chợ. Nấm được định giá theo kích cỡ. Chúng cũng hay được gọi vui là quả óc chó, quả trứng, quả cam hay quả lựu, tùy vào độ to.
Nấm truffle sa mạc thường được chiên hoặc nướng rồi dùng với cơm.