Những cuộc hôn phối khác loài xa xưa đã để lại trong một số người hiện đại ngày nay một biến thể gene đặc biệt quyết định khả năng đối phó với một số bệnh tật.
Nhóm khoa học gia đứng đầu bởi nhà miễn dịch học Shane Gray từ Viện nghiên cứu y khoa Garvan (Úc) đã phát hiện được một gene không thật sự thuộc về loài người hiện đại Homo Sapiens trong DNA của nhiều thành viên thuộc về một số gia đình đặc biệt.
Như nhiều nghiên cứu đã chứng minh, "loài người" trong thế giới hiện đại thực ra chỉ là một loài sinh sau đẻ muộn của chi Người, tên là Homo Sapiens (người hiện đại, người tinh khôn). Trước Homo Sapiens, nhiều loài khác thuộc chi Người đã lang thang khắp trái đất, mang những đặc tính sinh học khác biệt. Tiếc thay các loài người khác đã lần lượt tuyệt chủng, chỉ một mình Homo Sapiens còn tồn tại và thống trị chi Người cho đến nay.
Nhiều người trong chúng ta mang dòng máu lai Denisovans và sức mạnh chống lại bệnh tật vượt trội so với đồng loại thuần chủng Homo Sapiens - (ảnh: EARLY MAN).
Trong quá trình du cư, các loài khác nhau của chi Người đã gặp gỡ và xảy ra tình trạng giao phối khác loài. Do đó, trong DNA của một số người hiện đại, các nhà khoa học Úc đã xác định được I207L, một biến thể gene của người Denisovans mà những Homo Sapiens thuần chủng không có.
Tác động của I207L trên cơ thể những người mang nó có thể là tích cực, trung tính hay tiêu cực. Biến thể này khiến hệ miễn dịch của các Homo Sapiens "lai" hoạt động mạnh mẽ hơn Homo Sapiens khác. Với nhiều người, đó là món quà vàng ròng từ vị tổ tiên khác loài, giúp họ đối phó tốt hơn với nhiều loại bệnh tật. Nhưng với một số người, hệ miễn dịch lại hoạt động quá mức dẫn đến các bệnh tự miễn, các tình trạng viêm nặng.
Tuy nhiên xét cho cùng, biến thể này được đánh giá là có lợi ích tiến hóa trên hệ thống miễn dịch của loài người hiện đại.
Phát hiện dựa trên sự đối chiếu di truyền các hài cốt người Denisovans được khai quật tại hang núi ở Siberia và DNA của một số gia đình hiện đại có bệnh về viêm và tự miễn di truyền. Công trình vừa đăng tải trên tạp chí khoa học Nature Immunology .
Các nghiên cứu trước đây cho thấy số người mang DNA rải rác trên thế giới có rất nhiều. Một thống kê tại Papua New Guinean cho thấy người nước này có tới 5% bộ gene Denisovans. Nghiên cứu khác công bố tháng 7-2019 của Đại học New York Mỹ khẳng định có tới 40% người Châu Á mang dấu vết cuộc hôn phối khác loài với Denisovans trong bộ gene.