Phân tích hộp sọ 210.000 năm tuổi được tìm thấy ở Hy Lạp cho thấy người Homo sapiens đã di cư tới châu Âu sớm hơn rất nhiều.
Một hộp sọ 210.000 năm tuổi tại Hy Lạp đã được xác định là hài cốt người hiện đại (Homo sapiens) lâu đời nhất từ trước tới nay bên ngoài lãnh thổ châu Phi, các nhà nghiên cứu hôm 10/7 cho biết. Phát hiện mới cho thấy người Homo sapiens đã đặt chân đến châu Âu sớm hơn 150.000 năm so với những gì giới khoa học từng kết luận.
Hộp sọ bị hư hỏng nặng được kiểm tra bằng mô hình máy tính. (Ảnh: AFP).
Khu vực đông nam của châu Âu từ lâu được xem là "hành lang giao thông" chính cho người hiện đại di cư từ châu Phi. Tuy nhiên, bằng chứng sớm nhất được ghi nhận trước đây về sự hiện hiện của họ trên lục địa này có niên đại chỉ khoảng 50.000 năm tuổi.
Hai hộp sọ, Apidima 1 (210.000 năm tuổi) và Apidima 2 (170.000 năm tuổi), đã được khai quật trong một hang động ở Hy Lạp từ những năm 1970, nhưng vào thời điểm đó, chúng được xác định thuộc về người Neanderthal - họ hàng gần nhất của người hiện đại. Một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã quyết định sử dụng mô hình máy tính và phương pháp phân tích niên đại Urani để kiểm tra lại hai hộp sọ.
Kết quả cho thấy Apidima 2 thực sự thuộc về người Neanderthal, nhưng Apidima 1 là hộp sọ của một người Homo sapiens. Nó thiếu một số đặc điểm điển hình của người Neanderthal như phần phình to đặc trưng ở phía sau đầu, có hình dạng giống như búi tóc.
Phát hiện mới cho thấy các cuộc di cư của người Homo sapiens từ châu Phi đến Nam Âu đã diễn ra sớm hơn rất nhiều, nhưng vì lý do nào đó, tổ tiên của chúng ta đã không định cư lâu dài, theo Eric Delson, Giáo sư nhân chủng học tại Đại học Thành phố New York. "Những tiến bộ gần đây trong ngành Cổ nhân chủng học cho thấy lĩnh vực này vẫn còn ẩn chứa rất nhiều bất ngờ", Delson chia sẻ.