"Bí mật" của các nhà du hành vũ trụ

  •  
  • 5.216

Cứ trước và sau mỗi chuyến bay lịch sử, các nhà du hành vũ trụ đều có những hành động lạ và họ tin rằng điều đó sẽ đem lại những may mắn trong sự nghiệp của mình.

Các nhà du hành mang và không mang những gì lên quỹ đạo?

 

Có phải vụ nổ tàu Apollo (Mỹ) vì con số 13 định mệnh?
Có phải vụ nổ tàu Apollo (Mỹ) vì con số 13 định mệnh? (Ảnh: NASA)
Ngày 30/3/2006, phi hành đoàn tàu vũ trụ “Soyuz TMA-8” thực hiện chuyến thám hiểm thứ 13 lên Trạm Vũ trụ Quốc tế đã khởi hành từ sân bay vũ trụ Baikonur. Ở Brazil bình thường thì ngay cả quảng cáo cũng không làm gián đoạn nổi chương trình truyền hình trực tiếp các trận bóng đá. Nhưng lần này, người ta đã phá vỡ quy định đó.

Các kênh truyền hình ở đây đã ngừng truyền hình trực tiếp trận chung kết Cup bóng đá, để khán giả có thể theo dõi cảnh công dân đầu tiên của Brazil bay vào vũ trụ. Vài phút trước khi tàu vũ trụ khởi hành, trên màn hình tivi khắp Brazil xuất hiện một cửa sổ nhỏ ở góc, nhờ đó mà khán giả có thể vừa theo dõi tên lửa cất cánh, vừa xem bóng đá. Và khi tên lửa rời khỏi bệ phóng thì truyền hình lập tức ngừng phát trận đấu bóng đá và truyền những hình ảnh ở sân bay vũ trụ Baikonur.

Thành phần chuyến thám hiểm thứ 13 gồm có nhà du hành vũ trụ Nga Pavel Vinogradov; phi hành gia của Cơ quan Quản lý Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) Jeffrey Williams và nhà du hành vũ trụ đầu tiên của Brazil Marcos Pontes, người được đất nước của mình gọi là “Gagarin của Brazil”.

Pontes sẽ thực hiện 8 thí nghiệm trong vũ trụ với các thiết bị do các nhà nghiên cứu khoa học Brazil chế tạo nhằm nghiên cứu sự phát triển của thực vật trong điều kiện hấp dẫn yếu. Trước khi khởi hành tất cả các thành viên của đoàn thám hiểm thứ 13 đều nói rằng họ không tin vào “những con số bất hạnh” ám chỉ đến chuyến bay thứ 13 của họ.

Ngày 30/3/2006, phi hành đoàn tàu vũ trụ “Soyuz TMA-8” thực hiện chuyến thám hiểm thứ 13 lên Trạm Vũ trụ Quốc tế đã khởi hành từ sân bay vũ trụ Baikonur
(Ảnh: chinadaily.com.cn)

Nhà du hành người Nga Pavel Vinogradov nói: “Tôi không phải là người mê tín: số 13 đối với tôi là con số may mắn”. Phi hành gia người Mỹ Jeffrey Williams cũng nói: “Không có gì đáng ngại trong con số 13 cả”. Còn đối với “Gagarin của Brazil” thì “hoàn toàn không có vấn đề số 13”. Pontes còn dí dỏm nhận xét rằng: “Tôi là nhà du hành với con số 13 rưỡi, vì “tôi bay lên cùng đoàn thám hiểm thứ 13, nhưng lại về trái đất cùng đoàn thứ 12”.

Đoàn thám hiểm thứ 13 nói như vậy nhưng vẫn đem lên quỹ đạo những “hàng hóa” không bình thường với hy vọng chúng như là điềm lành mang lại may mắn trong suốt chuyến thám hiểm. Nhà du hành Nga Pavel Vinogradov đem theo một cây thập tự vàng của Patriarch Chính thống giáo để đón lễ Phục sinh trên quỹ đạo với hy vọng nó như là bùa hộ mệnh của mình.

Có một món hàng đặc biệt là những con giun hổ đã được các nhà du hành vũ trụ cắt ra thành nhiều mảnh nhỏ. Việc mang giun hổ vào vũ trụ với hy vọng nếu chẳng may chuyến bay có gặp sự cố gì trên quỹ đạo thì nó cũng có khả năng “tự phục hồi lại” giống như khả năng của giun hổ. Marcos Pontes còn đem lên quỹ đạo lá cờ Brazil, áo của Đội tuyển bóng đá Brazil, cũng như áo có in ảnh của Yuri Gagarin, quả bóng màu vàng - xanh lá cây với mục đích đại diện cho chiến thắng.

Nhưng có một thứ mà nó đã trở thành truyền thống của hầu hết các nhà du hành vũ trụ mang theo mình đó là một nhánh ngải cứu, bởi vì loại cây này giữ được mùi lâu hơn các loại thực vật khác và nhắc họ về trái đất. Các nhà du hành vũ trụ không bao giờ dùng từ “cuối cùng” khi nói về xuất phát của một con tàu nào đó: Ví dụ “chuyến bay cuối cùng tới Trạm Mir...” mà sẽ dùng từ “tổng kết”. Các nhà du hành cũng không bao giờ chào tạm biệt những người đưa tiễn. Còn ở sân bay vũ trụ Plesetsk trước khi phóng tên lửa đẩy thì người ta nhất định sẽ viết chữ “Tanhia” lên tên lửa. Sở dĩ có chuyện này là vì người ta kể rằng một sĩ quan đã viết tên người yêu của mình - Tanhia lên tên lửa đầu tiên. Rồi sau đó, một lần, khi người ta quên không viết cái tên may mắn ấy, thì tên lửa bị nổ trước lúc khởi hành. Trước khi khởi hành các nhà du hành vũ trụ nhất định sẽ xem phim “Mặt trời trắng sa mạc”. Hay họ thường nhận một cú đá thân thiện của cấp trên trước khi xuất phát.

Còn riêng con số 13 thì không gắn với điềm nào đặc biệt đối với các nhà du hành vũ trụ và các chuyên gia tên lửa Nga. Tất nhiên là chẳng mấy ai thích con số này, nhưng trong số các chuyên gia Nga thì chẳng có ai là không kiêng “ngày 13 thứ sáu”. Ở NASA người ta không ưa ngày 13 vì tàu vũ trụ Apollo-13 khởi hành lên mặt trăng ngày 11/4, vào ngày 13/4 thì xảy ra vụ nổ bình chứa ôxy.

Marcos Pontes - nhà du hành vũ trụ đầu tiên của Brazil

Marcos Pontes - nhà du hành vũ trụ đầu tiên của Brazil
(Ảnh: people.com.cn)

Ngày thứ hai và những ngày “không may mắn

Những mê tín dị đoan vũ trụ” được bắt đầu bởi Tổng công trình sư lừng danh Sergei Koroliov. Ông không thích phóng tên lửa vào ngày thứ hai. Lý do tại sao thì đến nay vẫn chưa ai rõ. Tuy nhiên, Koroliov bảo vệ lập trường của mình cả với các cấp cao nhất, và do đó đôi khi xảy ra những đụng độ không đơn giản. Kết quả là ở Liên Xô tàu vũ trụ không khởi hành ngày thứ hai trong suốt ba năm đầu tiên của kỷ nguyên vũ trụ. Sau đó thì bắt đầu khởi hành, và đã có 11 sự cố đáng kể xảy ra. Từ năm 1965 trở đi ngày thứ hai đã được coi là Ngày không xuất phát gần như chính thức trong ngành vũ trụ Xôviết trước đây và ngành vũ trụ Nga hiện nay.

Ở Baikonur còn có những ngày “không may mắn” khác. Không bao giờ ở đây lại lên kế hoạch xuất phát tên lửa ngày 24/10. Ngày đó nói chung ở Baikonur không dành cho những công việc quan trọng. Ngày 24/10/1960, tại Baikonur xảy ra vụ nổ tên lửa đẩy MBR R-16 khiến hàng chục người thiệt mạng. Còn ngày 24/10/1963 thì tên lửa R-9A lại cháy trên bệ phóng, làm 8 người thiệt mạng. Một điều lạ thường khác của vị Tổng công trình sư lừng danh là “người thợ máy may mắn” - Đại úy Smirnhitsky, người luôn luôn được nhấn nút “Khởi hành” (Start) theo mệnh lệnh.

Không có lần phóng tên lửa nào mà lại không có Smirnhitsky. Thậm chí khi Smirnhitsky bị eczêma (chàm bội nhiễm) thì ông cũng vẫn nhấn nút này, bởi vì Koroliov cho rằng Smirnhitsky rất “mát tay”. Cũng chính Koroliov đã cấm tuyệt đối một người trong số các công trình sư của mình, không cho anh ta xuất hiện ở bệ phóng khi phóng tên lửa, vì nguyên nhân trong một lần người này trực ban đã xảy ra sự cố không thú vị. Và Koroliov đã cử người theo dõi cẩn thận để anh chàng kỹ sư này không được ra bệ phóng.

Các nhà du hành vũ trụ không bao giờ ký tặng trước chuyến bay đầu tiên. Một số thì cương quyết không ký tặng bằng mực đen. Nhưng toàn bộ phi hành đoàn thì chắc chắn sẽ ký trên chai vodka, chai này sẽ được uống tại trái đất, ở thảo nguyên Kazakhstan, sau khi chuyến bay đã kết thúc thành công. Các nhà du hành vũ trụ cũng vui vẻ để lại chữ ký trên cửa phòng khách sạn, nơi họ nghỉ đêm trước chuyến bay. Và có lệnh cấm nghiêm ngặt việc sơn hay rửa tẩy những chữ ký này.

Một điều mà trước đây người ta tuyệt đối kiêng kị là cho phụ nữ lên tàu vũ trụ. Người ta nói rằng hồi đó chỉ vì những... điều mê tín đó mà nhiều người sợ không dám đưa Valentina Tereshkova vào vũ trụ, vì họ suy luận trường hợp phụ nữ trên tàu ở ngành hàng hải. Nhưng lãnh đạo Nhà nước Liên Xô thì không tin vào điều đó.

Vì vậy năm 1963, trong Hội nghị Phụ nữ quốc tế diễn ra ở Moskva, đã đấu tranh và dứt khoát đòi quyền lợi để một phụ nữ được bay vào vũ trụ. Trước khi bay vào vũ trụ ria mép cũng là một trong những điều mà các nhà du hành hết sức quan tâm. Một thời gian dài trong số các nhà du hành không có ai để ria mép. Trong chuyến bay của V.Zholobov, một người để ria mép đã xảy ra nhiều trục trặc, và chương trình chuyến bay buộc phải rút ngắn lại.

Hùng Sơn

Theo Aero Space, CAND.com.vn
  • 5.216