Bí mật khiến Neil Amstrong và Apollo 11 suýt tử nạn khi về Trái Đất

  •   4,52
  • 2.075

Đã có một số “pha thót tim” diễn ra trong suốt chuyến đi tới Mặt Trăng của con người 50 năm trước.

Ngày 20/7 tới sẽ đánh dấu 50 năm lần đầu tiên con người đặt chân lên Mặt Trăng. Nhân dịp này, phóng viên khoa học Nancy Atkinson đã ra mắt cuốn sách Eight Years to the Moon: The History of the Apollo Missions, trong đó tiết lộ một sự bất thường có thể đã khiến các phi hành gia trong tàu vũ trụ Apollo 11 gặp nạn trên đường trở về Trái Đất.

Cho tới nay, sứ mệnh của tàu vũ trụ Apollo 11 luôn là một thành công phi thường của nước Mỹ. Ngày 20/7/1969, lúc 10h56 đêm theo giờ EDT, phi hành gia người Mỹ Neil Amstrong của tàu Apollo 11 đã truyền âm thanh từ Mặt Trăng - cách Trái Đất khoảng 385.000km - tới hơn một tỷ người trên mặt đất.

Sau hành trình của Apollo 11, cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) lần đầu tiên đã đưa được con người lên Mặt Trăng và tất cả phi hành đoàn trở về Trái Đất an toàn.

Hình ảnh nhà du hành Buzz Aldrin được Neil Armstrong chụp trên Mặt Trăng.
Hình ảnh nhà du hành Buzz Aldrin được Neil Armstrong chụp trên Mặt Trăng. (Nguồn ảnh: Neon).

Tuy nhiên, đã có một số “pha thót tim” diễn ra trong suốt chuyến hành trình và nhiều sự cố đã khiến toàn bộ phi hành đoàn suýt gặp nạn.

Các nhà sử học và những người đam mê nghiên cứu về không gian từ lâu đã nghe tới một số tình huống nguy hiểm của Apolo 11 như việc hệ thống máy tính của con tàu quá tải khiến báo động vang lên ngay trước khi hạ cánh xuống Mặt Trăng, sự xuất hiện của một ngọn núi lửa có thể đe dọa quá trình hạ cánh, năng lượng bị đóng băng, một công tắc cần dùng để rời khỏi Mặt Trăng bị vỡ…

Nhưng theo một cuốn sách ra mắt vào ngày 2/7, ba phi hành gia của tàu Apollo 11 đã đối mặt với một tình huống nguy hiểm hơn nhiều mọi điều đã được kể.

Theo bà Nancy Atkinson, một nhà báo khoa học và tác giả cuốn sách Eight Years to the Moon: The History of the Apollo Missions, một vấn đề nghiêm trọng và bất thường đã diễn ra khi phi hành đoàn chuẩn bị cho việc hạ cánh xuống mặt đất.

"Thông qua các cuộc phỏng vấn và nghiên cứu để viết nên cuốn sách này, tôi đã phát hiện ra một vấn đề bất thường nghiêm trọng xảy ra trong hành trình trở về Trái Đất của tàu Apollo 11", theo chia sẻ trong email của tác giả Atkinson với tờ Business Insider. Bà Atkinson cho biết "nguy cơ này chỉ được phát hiện ra sau khi phi hành đoàn trở về Trái Đất an toàn".

"Chúng tôi đã may mắn"

Vấn đề diễn ra ngay trước khi phi hành đoàn Apollo 11 hạ cánh xuống Trái Đất. Theo tác giả Atkinson, hầu hết mọi nhân viên NASA không nhận ra sự nguy hiểm các phi hành gia gặp phải. Và cho tới vài tuần sau khi nhiệm vụ của Apollo 11 đã xong, sự bất thường này mới được chú ý.

Trong hành trình tám ngày, phi hành đoàn của tàu vũ trụ Apollo 11 sẽ làm việc trong một cabin thuộc mô-đun chỉ huy (command module). Mô-đun này sẽ được gắn vào phần đầu của mô-đun phục vụ (service module) - nơi lưu trữ vật tư, nhiên liệu và một động cơ tên lửa cỡ lớn. NASA gọi toàn bộ cấu trúc này là mô-đun chỉ huy - phục vụ (CSM).

Mô đun chỉ huy của Apollo 11.
Mô đun chỉ huy của Apollo 11. (Ảnh: NASA).

Khi rời khỏi Trái Đất, CSM mang theo một bộ phận nữa, được gọi là mô-đun mặt trăng (lunar module). Khi nhiệm vụ hoàn thành, mô-đun mặt trăng được đưa lên quỹ đạo Mặt Trăng còn CSM sử dụng động cơ tên lửa mang theo đưa các phi hành gia quay về Trái Đất trong chuyến đi kéo dài ba ngày.

Khoảng 15 phút trước khi các phi hành gia đáp xuống Thái Bình Dương, CSM sẽ phân tách thành hai mô-đun. Điều này là cần thiết vì chỉ có mô-đun chỉ huy (nơi phi hành đoàn làm việc) có tấm chắn nhiệt. Tấm chắn nhiệt này có thể bảo vệ các phi hành gia bằng cách làm chệch hướng và hấp thụ nguồn nhiệt lớn trong quá trình mô-đun chỉ huy xuyên qua bầu khí quyển Trái Đất với tốc độ nhanh hơn hàng chục lần so với một viên đạn siêu tốc.

Sau khi tách ra, mô-đun phục vụ lúc này không còn vai trò gì nữa và bị bỏ lại ở bầu khí quyển của Trái Đất. Tuy nhiên, mọi việc không diễn ra như dự tính. Theo giải thích của bà Atkinson mô-đun phục vụ đã “đuổi theo” các phi hành gia khi họ bay về Trái Đất.

"Houston, chúng tôi thấy mô-đun phục vụ di chuyển. Ở vị trí cao hơn chúng tôi một chút và chếch về bên phải", phi hành gia Aldrin - người quan sát phía ngoài cửa sổ của mô-đun chỉ huy - nói với nhóm điều phối nhiệm vụ dưới mặt đất qua radio.

Một lát sau anh nói thêm: "Bây giờ nó di chuyển từ phải sang trái".

Sau đó, hệ thống liên lạc vô tuyến của họ tạm thời bị tắt và các phi hành gia đã không thể cung cấp thêm bất kỳ chi tiết nào. Nhưng có một viên phi công máy bay đã nhìn thấy cả hai mô-đun này cùng quay về Trái Đất và mô-đun dịch vụ đã vỡ thành nhiều mảnh.

Cấu trúc tàu Apollo 11.
Cấu trúc tàu Apollo 11. (Ảnh: NASA).

Theo chia sẻ của Gary Johnson, người từng làm kỹ sư điện trong chương trình Apollo, trong quá trình hạ cánh, mô-đun dịch vụ đáng lẽ "không được di chuyển sát mô-đun chỉ huy" như vậy.

Nếu xảy ra va chạm thì mô-đun chỉ huy có thể đã bị tê liệt, bay một cách mất kiểm soát hoặc thậm chí bị phá hủy. Nếu quá trình phân tách khiến mô-đun dịch vụ va vào ca-bin của các phi hành gia thì một thảm họa có thể cũng đã diễn ra, tác giả Atkinson đã viết.

"Nếu mọi thứ diễn ra theo chiều hướng xấu, chúng tôi có thể đã mất phi hành đoàn Apollo 11" và "chúng tôi đã may mắn", nguồn tin Johnson chia sẻ với tác giả Atkinson.

Tại sao dư luận không biết tới nguy cơ này?

Các phi hành gia, người tham gia điều phối nhiệm vụ và nhân viên truyền thông trong dự án này đều không hiểu có vấn đề gì đã xảy ra cho đến khi NASA phỏng vấn ba phi hành gia về nhiệm vụ của họ vài tuần sau đó.

Dựa trên thông tin các phi hành gia cung cấp, NASA đã mở một cuộc điều tra và phát hiện ra hai nhiệm vụ trước đó - Apollo 8 và Apollo 10 - cũng gặp phải nguy cơ tương tự.

Tác giả Nancy Atkinson.
Tác giả Nancy Atkinson.

Nguyên nhân của vấn đề nằm trong bộ điều khiển phân tách mô-đun chỉ huy và mô-đun dịch vụ. NASA đã nhận thức được vấn đề tương tự trong con tàu vũ trụ Apollo 12, được phóng vào tháng 11/1969, nhưng quyết định không khắc phục do hạn chế về thời gian.

Trong một khoảng thời gian, NASA còn lưu trữ các mảnh vỡ của con tàu Apollo 11 một cách bí mật. Một báo cáo chính thức về vấn đề này được đưa ra vào tháng 11/1970 - khoảng 6 tháng sau khi con tàu Apollo 13 gặp sự cố. Tuy nhiên, văn bản này, bằng cách nào đó, đã không được xuất hiện trên các mặt báo.

Tác giả Atkinson cho hay: "vấn đề này chưa bao giờ được đưa vào báo cáo nhiệm vụ của Apollo 11 và bằng cách nào đó đã bị lãng quên".

Cập nhật: 03/07/2019 Theo Zing
  • 4,52
  • 2.075