Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ sau 3 năm xem xét đã công bố sự tồn tại của vật thể có tốc độ 58.333 mét/giây!
Theo công bố mới từ Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ (USSC), một quả cầu lửa bùng cháy trên bầu trời Papua New Guinea vào năm 2014 thực sự là một vật thể chuyển động nhanh đến từ một hệ sao khác đã đâm vào Trái đất.
Vật thể, là một thiên thạch nhỏ có chiều ngang chỉ 0,45 mét, đã lao vào bầu khí quyển của Trái đất vào ngày 8 tháng 1 năm 2014, sau khi đi xuyên không gian với vận tốc hơn 210.000 km/giờ (tương đương 58.333 mét/giây) - một tốc độ khủng khiếp, vượt xa mức trung bình vận tốc của thiên thạch quay quanh Hệ Mặt trời, theo một nghiên cứu năm 2019 về vật thể được công bố trong cơ sở dữ liệu arXiv.
Nghiên cứu năm 2019 đó lập luận rằng tốc độ kinh ngạc của thiên thạch, cùng với quỹ đạo của nó, đã chứng minh chắc chắn 99% rằng vật thể có nguồn gốc xa hơn Hệ Mặt trời của chúng ta. "Thiên thạch 0,45 mét này có thể đến "từ bên trong sâu thẳm của một hệ hành tinh hoặc một ngôi sao trong lớp dày đĩa của thiên hà Milky Way" - các tác giả viết.
Vật thể này đi xuyên không gian với vận tốc hơn 210.000 km/giờ (tương đương 58.333 mét/giây). (Ảnh: Vadim Sadovski/Shutterstock)
Tuy nhiên, bản nghiên cứu năm 2019 - dù được cho là khá chắc chắn - nhưng chưa motọ lần được xuất bản trên tạp chí khoa học, vì một số dữ liệu cần thiết để xác minh tính toán của họ đã được chính phủ Mỹ coi là "thông tin cần được phân loại - information classified", Vice thông tin.
Giờ đây, sau 3 năm, các nhà khoa học USSC đã chính thức xác nhận phát hiện năm 2019 của nhóm ra công chúng qua bản ghi nhớ.
Nguồn: Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ (USSC)
Trong một bản ghi nhớ ngày 1/3/2022 và được chia sẻ trên Twitter vào ngày 6/4/2022, Trung tướng John E. Shaw, Phó tư lệnh USSC, viết rằng: Phân tích năm 2019 về quả cầu lửa là "đủ chính xác để xác nhận quỹ đạo bay giữa các vì sao của thiên thạch 0,45 mét".
Bản ghi nhớ cho biết thêm, xác nhận này đưa thiên thạch năm 2014 trở thành vật thể giữa các vì sao đầu tiên từng được phát hiện trong Hệ Mặt trời của chúng ta.
Theo bản ghi nhớ của USSC, việc phát hiện ra vật thể này có trước khi phát hiện ra 'Oumuamua - một vật thể khét tiếng, có hình điếu xì gà, cũng đang di chuyển quá nhanh so với nguồn gốc từ Hệ Mặt trời của chúng ta - khoảng 3 năm. (Không giống như sao băng năm 2014, 'Oumuamua được phát hiện ở rất xa Trái đất và đang bay nhanh ra khỏi Hệ Mặt trời, theo NASA thông tin).
Tiến sĩ Amir Siraj, một nhà vật lý thiên văn lý thuyết tại Đại học Harvard, Mỹ kiêm Giám đốc Nghiên cứu Vật thể Giữa các vì sao tại Dự án Galileo (thuộc Harvard) và là tác giả chính của bài báo năm 2019, nói với Vice rằng ông vẫn có ý định xuất bản nghiên cứu ban đầu để cộng đồng khoa học hiện đại có thể tiếp tục nơi ông và các đồng nghiệp của mình đã dừng lại. Vì khi thiên thạch bốc cháy trên Nam Thái Bình Dương, có thể các mảnh vỡ của nó đã rơi xuống Nam Thái Bình Dương và từ đó nép mình dưới đáy biển.
Mặc dù việc xác định vị trí của vẫn thạch là một nhiệm vụ khó khả thi, nhưng Amir Siraj cho biết ông đã tham khảo ý kiến của các chuyên gia về khả năng tổ chức một cuộc thám hiểm để phục hồi chúng.
Amir Siraj nói với Vice: "Khả năng có được mảnh vật liệu xa xôi đầu tiên đã đủ thú vị để chúng ta nghiên cứu và tìm hiểu nó".
Tiến sĩ Amir Siraj và đồng tác giả nghiên cứu Avi Loeb đã được truyền cảm hứng để tìm kiếm những quả cầu lửa tiềm năng giữa các vì sao sau khi phát hiện ra 'Oumuamua, một vật thể giữa các vì sao xuất hiện trong Hệ Mặt trời vào năm 2017.
Tiến sĩ Avi Loeb, người nổi tiếng suy đoán rằng 'Oumuamua có thể là một phần của công nghệ ngoài hành tinh, cho rằng năm 2019 Tiến sĩ Siraj đã đào sâu nghiên cứu lại toàn bộ dữ liệu của Trung tâm nghiên cứu Vật thể gần Trái đất (CNEOS) của NASA và phát hiện ra vật thể cực nhanh năm 2014 trong bộ dữ liệu đó.
'Oumuamua, một vật thể giữa các vì sao xuất hiện trong Hệ Mặt trời vào năm 2017.
Có gần 1.000 tác động của vật thể không gian tới Trái đất được ghi lại trong cơ sở dữ liệu, nhưng một quả cầu lửa phát nổ gần Đảo Manus ở Papua New Guinea vào ngày 8 tháng 1 năm 2014 đã gây được sự chú ý lớn của Tiến sĩ Siraj do tốc độ nhanh bất thường của nó.
Theo nghiên cứu năm 2019 của Tiến sĩ Amir Siraj và Tiến sĩ Avi Loeb, tốc độ chóng mặt này gợi ý về "nguồn gốc có thể từ bên trong sâu của một hệ hành tinh hoặc một ngôi sao trong đĩa dày của thiên hà Milky Way".
"Nó thực sự rất nhanh. Và điều đáng nói hơn cả là đã không có vật thể giữa các vì sao cho đến năm 2017 khi 'Oumuamua được phát hiện. Do đó, không ai có lý do để nghĩ rằng có thể có các thiên thạch đến từ bên ngoài Hệ Mặt trời. Tuy nhiên, sự thực lại hoàn toàn khác: Thiên thạch năm 2014 trở thành vật thể giữa các vì sao đầu tiên từng được phát hiện trong Hệ Mặt trời của chúng ta" - Tiến sĩ Amir Siraj nói.
Ngay trong năm 2019, hai tiến sĩ Siraj và Loeb đã đệ trình phát hiện của mình cho Tạp chí The Astrophysical Journal Letters, nhưng nghiên cứu đã trở nên rắc rối trong quá trình xem xét do thiếu thông tin mà chính phủ Mỹ giữ lại trong cơ sở dữ liệu CNEOS.
Trong suốt 3 năm kể từ khi hai tiến sĩ Siraj và Loeb đệ trình lên tạp chí khoa học, phát hiện thiên thạch 2014 đã "qua tay" rất nhiều cá nhân, tổ chức để kiểm tra, xem xét: Từ Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos đến NASA và các cơ quan chính phủ khác kiểm tra, cũng như đến tay của Tiến sĩ Joel Mozer, Nhà khoa học trưởng về Hoạt động Không gian Chỉ huy của Lực lượng Không gian Mỹ thì nó mới được ra mắt công chúng qua bản ghi nhớ.
Mặc dù đây là một vật thể cực kỳ nhỏ, nhưng nó chỉ ra rằng Hệ Mặt trời có thể chứa đầy vật chất từ các hệ sao khác, và thực sự là ngay cả các thiên hà khác, có thể được tìm thấy trong tương lai. Những nỗ lực như vậy có thể mang lại cái nhìn thoáng qua về các thế giới bên ngoài Mặt trời ngay tại đây - trên Trái đất.