Bộ Y tế bình chọn 10 sự kiện năm 2005

  •  
  • 185

Ngày 30/12, Bộ Y tế đã đưa ra 10 sự kiện tiêu biểu nhất của y tế trong năm 2005. Đây là những bước tiến của ngành đem lại nhiều quyền lợi cho người bệnh.

1. BHYT thanh toán 100% chi phí của dịch vụ kỹ thuật cao

Kỹ thuật cao như ghép tạng sẽ được BHYT chi trả.

Một bước ngoặt đáng nhớ của ngành y tế trong năm qua phải nói đến, đó là quyền lợi của người bệnh đã được quan tâm hơn khi ngày 16/11/2005, Bộ Y tế đã có quyết định số 36/2005/QĐ-BYT ban hành danh mục kỹ thuật cao, đắt tiền được bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán. Trong số 177 kỹ thuật cao, chi phí lớn, có nhiều dịch vụ trước đây bệnh nhân có thẻ BHYT chưa được thanh toán như những kỹ thuật can thiệp và chẩn đoán hình ảnh; chụp và nút mạch hoá dầu điều trị ung thư gan nguyên phát; phẫu thuật sử dụng dao Gamma; các thăm dò và điều trị bằng đồng vị phóng xạ…

Đáng chú ý, các kỹ thuật ghép tạng như ghép gan, ghép thận, giác mạc cũng sẽ được BHYT thanh toán. Người có thẻ BHYT khi sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao chi phí lớn được sẽ được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí của dịch vụ kỹ thuật cao có mức chi phí dưới 7 triệu đồng.

Quyết định này ra đời ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 46/NQ-TW về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới (ngày 23/2/2005). Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 243/QĐ-TTg về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 46/NQ-TW (ngày 5/10/2005).

2. Tăng phụ cấp cho cán bộ ngành y

Lần đầu tiên công chức, viên chức trực tiếp phục vụ ở các cơ sở y tế được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề từ 15-50% (Quyết định số 276/QĐ-TTg ngày 01/11/2005) về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề cho ngành y tế.

Theo đó, Bộ Y tế, Tài chính và LĐ-TB&XH đã xây dựng một thông tư về việc này. Thầy thuốc cũng sẽ được hưởng chế độ đãi nghộ nghề nghiệp như giáo viên hiện nay: giáo viên đứng lớp và nhân viên y tế trực tiếp phục vụ bệnh nhân đều được hưởng thêm 20% lương.

Ngoài ra, ở những chuyên ngành độc hại, lây nhiễm (chuyên khoa tâm thần, lao, phong, điều trị HIV/AIDS, các cơ sở KCB vùng sâu, vùng xa…) các thầy thuốc sẽ được hưởng phụ cấp đặc thù nghề nghiệp.

3. Tăng tuổi thọ người dân trong 5 năm tới

Nâng cao sức khỏe nhân dân luôn là mong muốn quan trọng của ngày tế. Tất cả các chỉ tiêu về sức khỏe và chất lượng cuộc sống của nhân dân đều đạt và vượt kế hoạch đề ra 5 năm 2001-2005 theo Quyết định 35/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân giai đoạn 2001-2010.

Trong đó có các chỉ tiêu đạt mục tiêu thiên niên kỷ như: tuổi thọ trung bình của người dân đã đạt 71,3 (mục tiêu 2010 là 71 tuổi); tỷ lệ chết trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi là 21%o và 32%o (mục tiêu là 30%o và 37%o).

4. Khống chế dịch cúm H5N1

Năm 2005 những ca H5N1 nặng như thế này đã giảm hẳn.

Mặc dù dịch cúm gia cầm A /H5N1 xảy ra nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Bộ Y tế nên không có dịch lớn xảy ra ở người, nhờ đó đã góp phần bảo đảm an ninh xã hội.

So với năm 2004, số người nhiễm và tử vong do cúm A/H5N1 đã giảm. Từ đầu năm đến nay ghi nhận 66 trường hợp mắc tại 25 tỉnh/thành phố, trong đó có 22 trường hợp tử vong. Tính từ trường hợp mắc cúm A/H5N1 đầu tiên tại Việt Nam (26/12/2003) đến nay đã ghi nhận 93 trường hợp mắc tại 32 tỉnh/thành phố, trong đó có 42 trường hợp tử vong. Đáng lưu ý là trong mùa đông này cả nước mới ghi nhận 2 ca mắc H5N1, trong đó 1 trường hợp tử vong.

5. Ghép tạng Việt Nam ''lên tay''

Sau thành công của ghép gan đầu tiên tại Việt Nam đầu năm 2004, năm 2005 đã có 2 ca ghép gan thành công ở Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Nhi đồng I, TP.HCM. Trong đó ca ghép gan tại Bệnh viện Nhi đồng I, TP.HCM đã thực hiện cho bệnh nhi nhỏ tuổi (2 tuổi).

Ghép tạng còn phải kể tới thành công của kỹ thuật ghép thận trong hơn 10 năm qua, năm 2005 nhiều ca ghép thận đã được thực hiện thành công tại các bệnh viện trong toàn quốc.

Ngoài ra các kỹ thuật tiên tiến khác cũng được áp dụng như thành công kỹ thuật mổ sọ não bằng dao mổ gramma ở Trường Đại học Y Huế; 2.000 cháu bé ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.

6. Thuốc chữa bệnh được bình ổn

Quốc hội đã phê chuẩn Luật Dược ngày 14/6/2005; Bộ Y tế đã chỉ đạo quyết liệt và về cơ bản đã bình ổn giá thuốc bảo đảm quyền lợi của người bệnh.

Nếu so với năm 2004, năm nay thị trường thuốc tân dược đã ổn định rõ rệt. Nhiều tháng liền theo thông báo của Hiệp hội sản xuất và kinh doanh dược giá thuốc biến đổi không mạnh. Năm 2005 được đánh giá là năm nguồn thuốc chữa bệnh được đáp ứng đủ, bảo đảm cho nhu cầu chữa bệnh với giá cả ổn định, không có sự biến động đột biến như những mặt hàng khác.

7.  Ngành y tế Việt Nam tròn 50 tuổi

Cùng với nhiều ngày lễ lớn trong năm 2005, ngành y tế cũng tròn 50 tuổi. Ngày lễ truyền thống và hành trình trở lại cội nguồn nhân dịp 50 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam và 30 năm Thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2005) đã tổ chức thành công.

Ngành y tế đã tổ chức thành công Hội nghị thi đua toàn ngành (ngày 15/7/2005) góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua trong những năm tiếp theo.

8. Xây dựng bệnh viện vệ tinh

Những kỹ thuật phức tạp như ghép tạng đã được ngành y tế triển khai

Nhằm giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, lần đầu tiên một mô hình bệnh vệ tinh đã được triển khai. Đó là hệ thống vệ tinh cấp cứu ngoại khoa chấn thương ở Bệnh viện Việt Đức với 6 bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố. Đó là những bệnh viện xung quang Hà Nội có bán kính dưới 100km.

9. Noi gương bác sĩ Đặng Thùy Trâm

Chưa bao giờ những trang nhật ký lại gây ''sốt'' như nhật ký của của liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm và Nguyễn Văn Thạc. Bệnh xá trưởng Bệnh xá Đức Phổ, Quảng Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước Đặng Thùy Trâm đã được Ban Tư tưởng - Văn hóa TW cho phát động thành phong trào thi đua học tập sâu rộng trong ngành y tế và thanh niên, sinh viên trên toàn quốc.

Ngay sau khi những dòng nhật ký được xuất bản thành sách, một phong trào học tập cách sống của 2 liệt sỹ được dấy lên.

10. Thành lập Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam

Ngày 19/5, Học viện Y dược học cổ truyền VN, cơ sở đào tạo bậc đại học ngành y- dược học cổ truyền đã chính thức được ra mắt.

Được thành lập trên cơ sở Trường Trung học y học cổ truyền Tuệ Tĩnh, Học viện Y- dược học cổ truyền VN là Trường ĐH đầu tiên về y dược học cổ truyền trong số trên dưới 10 trường ĐH trực thuộc ngành y tế hiện nay ở VN.

Theo VietNamNet
  • 185