Cá heo ăn mày nổi tiếng đã chết

  •  
  • 2.940

Xác chú cá heo thường được gọi là “gã ăn mày” (Beggar) vì thói quen tiếp cận các tàu để xin thức ăn vừa được tìm thấy. Nguyên nhân cái chết có thể do chế độ ăn uống không đảm bảo.

Xác Beggar được tìm thấy khi đang nổi ở vùng nước gần cầu đường Albee ở Sarasota, bang Florida (Mỹ) trong tình trạng đang phân huỷ, khiến việc xác định nguyên nhân cái chết gặp khó khăn.

Tuy nhiên, cơ quan tiêu hoá của chú cá heo tội nghiệp chứa một số móc câu, vòi mực (không phải món ăn ưa thích của cá heo trong vùng này) và có nhiều chỗ loét. Điều đó cho thấy con người có thể là nguyên nhân dẫn đến cái chết của Beggar.

Xác chú cá heo Beggar được tìm thấy hôm 21/9
Xác chú cá heo Beggar được tìm thấy hôm 21/9

Theo Phòng thí nghiệm hải dương Mote, trong suốt 20 năm qua, Beggar thường bơi quanh khu vực mà xác nó vừa được tìm thấy. Beggar thường tiếp cận các tàu thuyền để xin thức ăn.

Trong suốt 100 giờ quan sát vào năm 2011, các nhà nghiên cứu ở Chương trình nghiên cứu cá heo Sarasota thấy Beggar giao lưu với con người 3.600 lần. Con người cho Beggar ăn 169 lần, với 520 loại thức ăn, trong đó có cả bia và xúc xích. Trong 121 lần, người trên thuyền muốn vuốt ve Beggar, nhưng thường bị nó cắn.

Trong nhiều năm qua, Beggar xuất hiện trên tấm poster tuyên truyền rằng hành động cho động vật biển ăn là phạm pháp. Hành động của Beggar cũng có thể khiến những con cá heo tự nhiên khác bắt chước.

Đạo luật bảo vệ động vật có vú ở biển không cho phép người dân cho cá heo tự nhiên ăn hoặc vuốt ve chúng. Người vi phạm có thể bị phạt tới 100.000 USD và ngồi tù 1 năm.

Khám nghiệm xác Beggar, các nhà khoa học phát hiện nó từng bị nhiều tàu đâm vào vì trên da và vây có nhiều vết sẹo, còn một số xương sườn và đốt sống bị gãy.

Beggar không ăn nhiều trước khi chết. Nó bị mất nước, có thể là do chế độ ăn không thích hợp. Các nhà khoa học cũng tìm thấy ngạnh của cá đuối gai độc mắc trên cơ thể Beggar.

“Những thứ chúng tôi tìm thấy nói lên rằng sức khoẻ của nó rất tệ trong một thời gian dài, và sự giao tiếp với con người có vai trò nào đó. Những vết thương do bị thuyền đâm, lưỡi câu và vòi mực (thường được dùng làm mồi câu) cho thấy nó dành nhiều thời gian để xin thức ăn từ con người hơn là tự đi tìm", Gretchen Lovewell, quản lý của chương trình điều tra thuộc Phòng thí nghiệm Mote, cho biết.

Theo Báo Đất Việt, Livescience
  • 2.940