Theo các chuyên gia, qua hơn hai thập kỉ thực hiện lỏng lẻo lệnh cấm săn bắn cá voi, loài động vật biển có vú oai vệ nhất của đại dương chỉ mới phục hồi đôi chút quần thể hùng mạnh một thời của chúng.
Các nước ủng hộ săn bắn cá voi và các nước ủng hộ bảo tồn sẽ có một cuộc tranh luận trong tuần này tại Santiago, Chi-lê tại phiên họp thường niên của Ủy ban cá voi quốc tế (International Whaling Commission - IWC).
Dù có lệnh cấm săn bắn cá voi lớn vì mục đích thương mại được thông qua vào năm 1986, Nhật Bản, Nauy và Ai-len vẫn tiếp tục săn bắn hơn 2.000 con cá voi mỗi năm, chủ yếu là cá voi mũi nhọn (minke whale) cùng với số lượng nhỏ hơn các loài cá voi lưng gù (humpback whale), cá voi có vây (fin whale) và cá voi Sei (sei whale).
Các quốc gia phản đối săn bắn cá voi cùng các nhóm bảo tồn bác bỏ hạn ngạch cần thiết, đồng thời yêu cầu duy trì và hiệu lực hóa lệnh cấm. Tất cả các nhóm đều nhất trí rằng một số loài đang ở bên lề tuyệt chủng.
Số lượng cá voi đầu bò (right whale) Bắc Đại Tây Dương và Bắc Thái Bình Dương, hai loài tách biệt, cùng với cá voi xám (gray whale) đã bị suy giảm xuống còn vài trăm cá thể sống sót ở mỗi loài.
Regina Asmutis-Silvia – nhà sinh học tại Hiệp hội bảo tồn cá voi và cá heo – cho biết: “Chúng đang ở trong tình trạng khốn đốn”, quần thể của chúng sẽ không thể tăng thêm nếu không dành ra 70 năm bảo tồn.
Theo các nhà khoa học, ngay cả khi các loài có số lượng hàng ngàn, mỗi năm tăng thêm 3 - 4% hoặc thậm chí 7-8% cũng không thoát khỏi tình trạng bị đe dọa. Phải cần đến mấy chục năm để chúng phát triển tự do, không bị cản trở thì chúng mới có thể khôi phục lại số lượng ban đầu.
Theo Jean-Benoit Charrassin - nhà sinh học biển tại Bảo tàng lịch sử quốc gia tại Paris đồng thời là đại diện Pháp tại IWC, cá voi xanh (blue whale) dài 25 mét (80 fit) có trọng lượng bằng một chiếc máy bay phản lực đã khôi phục số lượng từ 400 cá thể vào những năm 1970 đến khoảng 2.200 cá thể ngày nay.
“Nhưng từng đó mới chỉ bằng khoảng 1% số lượng quần thể ban đầu của chúng”, ông nói.
|
Đàn cá voi mũi nhọn bơi qua núi băng tại Nam Đại Dương (Southern Ocean) cách xa Vùng lãnh thổ Nam Cực Úc (Australian Antarctic Territory) vào năm 2007. (Ảnh: www.daylife.com) |
Ít nhất có khoảng 250.000 con cá voi xanh tại vùng biển Nam Cực vào đầu thế kỉ 19, khi các cải tiến mới như cây lao móc, chế biến trên thuyền đã gần như đưa chúng vào trưng bày trong bảo tàng. Cá voi lưng gù Nam Cực tiến bộ hơn đôi chút, với quần thể khoảng 50.000, bằng 30% kích cỡ quần thể ban đầu với tỉ lệ tăng hàng năm là 7% hoặc 8%.
Nhưng các nhà khoa học cùng với các nhóm bảo tồn vẫn kiên quyết phản đối săn bắn cá voi vì mục đích thương mại ngay cả đối với loài cá voi đang phát triển thịnh vượng. Charrassin cho biết:
“Có quá nhiều điều chúng ta không chắc chắn về các con số thống kê”. Một nghiên cứu mới đây dựa trên các khảo sát thực hiện năm 2007 do Gisli Vikingson thuộc Viện nghiên cứu động vật biển Iceland chỉ đạo đã chỉ ra giai đoạn suy giảm nghiêm trọng kể từ năm 2001 đối với quần thể cá voi mũi nhọn. Nhận Bản và Nauy đã giết hơn 1.600 con vào năm 2007.
Săn bắn vì mục đích thương mại không phải là mối đe dọa duy nhất đối với loài cá voi. Asmutis - Silvia cho biết:
“Sẽ là thiếu sót nếu chỉ quy kết cho hành động săn bắt. Chúng ta cần phải nhìn nhận ảnh hưởng tổng thể của các yếu tố khác như va chạm với tàu lớn, cá voi bị vướng vào lưới đánh cá, ô nhiễm, môi trường bị hủy hoại hay nhiễu loạn âm thanh”.
Thay đổi khí hậu cũng là một mối nguy ẩn hiện khác. Hiện tượng các đại dương bị axit hóa do sự nóng lên toàn cầu gây ra cũng có thể làm giảm nhanh chóng số lượng các loài nhuyễn thể - sinh vật giống tôm là thành phần bữa ăn chính của cá voi.
Một con cá voi xanh trưởng thành có thể ăn đến 40 triệu nhuyễn thể một ngày. Ngay cả khi loài giáp xác này có thể chống chịu được với hiện tượng axit hóa, cá voi cũng phải cạnh tranh với các ngư trường khi mà hàng tấn nhuyễn thể bị lấy làm thức ăn nuôi cá.
Đối với Yves Paccalet – nhà tự nhiên học đồng thời là triết gia người Pháp đã giúp hoàn thiện lệnh cấm năm 1986, loài sinh vật thông minh và có tổ chức xã hội cao này có lẽ đã kiệt sức sau cuộc chiến kéo dài hàng thế kỉ với con người nên đơn giản là chúng đã từ bỏ cuộc chiến.
Paccalet đã từng cộng tác với nhà thám hiểm đại dương người Pháp - Jacques-Yves Cousteau nói rằng:
“Hiệu quả tâm lý của cuộc xâm lăng của chúng ta đã dàn xếp ý định tồn tại của chúng”. Trả lời AFP, ông nói:
“Để sinh sản, cá voi cần số lượng cá thể nhiều hơn nhằm đảm bảo rằng chúng có thể gặp gỡ, vui đùa và kích thích lẫn nhau. Nếu không chúng sẽ bị rơi vào tình trạng u uất và sẽ ngừng sinh sản”. Ông thêm rằng số lượng cá thể cá voi xanh khổng lồ ít đến nỗi chúng khó mà vượt qua được.
“Sự cân bằng vẫn rất mong manh. Nếu chúng ta để đàn cá voi tự do, chúng sẽ có thể phát triển. Nếu chúng ta không làm thế, tốc độ suy giảm sẽ diễn ra rất nhanh”.