Nội dung trong một lá thư viết tay 300 tuổi đã được các nhà khoa học đọc nội dung mà không cần phải mở lá thư ra. Kỹ thuật được họ sử dụng hứa hẹn sẽ giúp mở khóa những "báu vật" lịch sử được niêm phong trong những bức thư cổ mà vẫn giữ nguyên trạng bức thư.
Lá thư này được viết vào ngày 31 tháng 7 năm 1697 bởi Jacques Sennacques. Nội dung lá thư chỉ đơn giản là Sennacques hỏi xin anh họ là Pierre Le Pers - một thương gia người Pháp sống ở The Hague, một bản sao được chứng thực giấy chứng tử của Daniel Le Pers.
Bức thư của Sennacques được gói bằng một kỹ thuật gọi là "khóa thư" (letterlocking) - một kỹ thuật gấp thư phức tạp và được niêm phong bằng sáp. Kỹ thuật này được sử dụng trên toàn thế giới để bảo quản thư trước khi người ta phát minh ra bì thư. Đây cũng giống như một phương pháp bảo mật cổ, bức thư sẽ không thể được mở ra nếu không làm rách nó. Nếu vết rách xuất hiện thì đây là dấu hiệu cho thấy nó đã được mở và nội dung có thể bị giả mạo, thay đổi trước khi đến tay người nhận.
Một kiểu khóa thư được sử dụng tại Anh năm 1587.
Jana Dambrogio - một trong những tác giả nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Nature Communications cho biết: "Khóa thư là hoạt động hàng ngày, đã diễn ra trong nhiều thế kỷ, xuyên suốt nhiều nền văn hóa, biên giới và tần lớp xã hội."
Kỹ thuật "khóa thư" đã tồn tại qua nhiều thế kỷ và đóng vai trò quan trọng trong lịch sử của kỹ thuật bảo mật. Kỹ thuật này đã sớm xuất hiện trên những bức thư được lưu trữ ở Kho lưu trữ bí mật tại Vatican từ năm 1494. Để đọc nội dung thì các nhà nghiên cứu có thể mở lá thư ra nhưng họ muốn bảo tồn tất cả các nếp gấp.
Mặc dù kỹ thuật đặc sắc này đã dần bị thay thế từ những năm 1830 với sự ra đời của những chiếc phong bì được sản xuất hàng loạt, nhưng gần đây nó đã khơi gợi một ý tưởng mới trong các học giả.
Họ đã phải đối mặt với một vấn đề: Làm thế nào để bạn có thể đọc được nội dung của những bức thư như vậy mà không làm hỏng vĩnh viễn những mảnh ghép lịch sử vô giá?
Các nhà nghiên cứu đến từ viện MIT và trường King's College London đã dùng máy chụp tia X được thiết kế cho nha khoa để tạo ra các bản quét 3D phân giải cao, cho thấy chính xác cách tờ giấy được gấp. Sau đó, họ sử dụng một thuật toán tự động tạo ra hình ảnh dễ đọc về nội dung của bức thư và các nếp gấp. Theo giải thích của nhóm nghiên cứu thì việc mở ảo bức thư bằng các kỹ thuật như chụp CT là để tái tạo 3D bức thư và dùng thuật toán để tái tạo 2D bức thư, thể hiện nó như ở trạng thái phẳng, hình ảnh phẳng cả 2 mặt bức thư và nếp gấp.
Các thuật toán máy tính đã được sử dụng thành công trọng việc tái tạo và đọc nội dung của những tài liệu, sách được cuộn tròn với 1 hoặc 2 nếp gấp. Tuy nhiên, độ phức tạp của kỹ thuật gấp khóa thư đặt ra những thách thức với các thuật toán này.
Như bức thư tay của Jacques Sennacques nói trên là một trong những bức thư thuộc bộ sưu tập Brienne Colelction, chiếc hòm gỗ này thuộc về một người quản thư tại châu Âu chứa 3148 vật phẩm trong đó bao gồm 577 lá thư chưa từng được mở xem. Nhóm nghiên cứu đã mở được nhiều lá thư trong số này bằng các kỹ thuật mới và họ tin rằng có thể áp dụng để mở nhiều loại thư khác. Chẳng hạn như những vật phẩm chưa được mở trong số 160 ngàn bức thư hiện đang được lưu giữ tại Prize Papers - kho lưu giữ các tài liệu được Anh quốc tịch thu được từ tàu chiến địch giữa thế kỷ 17 và 19. Trước khi có sự hỗ trợ bởi máy móc và thuật toán thì các nhà nghiên cứu chỉ có thể biết được tên người nhận viết bên ngoài bức thư.
Kỹ thuật mở khóa thư mới này đã mở ra cánh cửa mới cho hàng loạt các nghiên cứu thuộc nhiều ngành khoa học khác nhau, trong đó phải kể đến lịch sử, bảo mật thư tín, xã hội học, kinh tế tài chính…, đặc biệt, giúp các nhà nghiên cứu tiếp cận được với nguồn tài liệu khổng lồ chưa được khai thác từ các trung tâm lưu trữ trên khắp thế giới.