Cách xử trí khi bị hạ đường huyết

  •   2,69
  • 32.851

Khi đường trong máu thấp dưới mức 3,8mmol/l thì gọi là hạ đường huyết. Tuy nhiên, các dấu hiệu, triệu chứng hạ đường huyết không giống nhau ở mỗi bệnh nhân.

Hạ đường huyết là gì?

Hạ đường huyết là tình trạng lượng đường (glucose) trong máu quá thấp. Cơ thể hấp thụ đường qua các thức ăn có nhiều carbohydrate như gạo, khoai tây, bánh mì, ngũ cốc, sữa, trái cây và đồ ngọt. Đường tích trữ trong gan và mô dưới dạng glucogen và sẽ được phân hóa thành glucose để tạo năng lượng cho cơ thể.

Tụy là cơ quan chủ chốt có vai trò kiểm soát đường huyết. Tụy tiết ra insulin, một hormone có chức năng điều tiết đường trong máu bằng cách tăng cường sự chuyển hóa glucose của tế bào, từ đó làm giảm lượng đường huyết.

Một hormone khác cũng có vai trò điều tiết đường trong máu là glucagon, có vai trò tăng đường huyết. Khi tụy không sản xuất đủ glucagon, lượng đường trong máu sẽ giảm và gây hạ đường huyết.

Ở người bị tiểu đường, trong cơ thế thiếu lượng glucagon do tác dụng ức chế của thuốc. Vì vậy, dù bị tiểu đường nghĩa là đường huyết cao, bạn vẫn có thể hạ đường huyết do glucose trong máu bị ức chế quá mức.

Theo một nghiên cứu, trong một số trường hợp, bạn vẫn có khả năng bị hạ đường huyết dù không bị tiểu đường.

Những ai thường bị hạ đường huyết?

Chứng hạ đường huyết thường không phổ biến ở người lớn và trẻ em trên 10 tuổi. Bệnh thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường đang được điều trị bằng cách bổ sung insulin hay tự ý uống thuốc đặc trị tiểu đường không theo chỉ định của bác sĩ. Chứng bệnh này có thể là tác dụng phụ trong quá trình điều trị các bệnh khác, do thiếu hormone hoặc có khối u trong cơ thể.

Các biểu hiện của hạ đường huyết

Các dấu hiệu của hạ đường huyết không giống nhau ở mỗi bệnh nhân. Nhưng thường xuất hiện vào lúc sắp đến bữa ăn và có một hay nhiều dấu hiệu chung sau:

Mệt đột ngột không giải thích được; đau đầu, chóng mặt lả đi; cảm giác đói cồn cào; vã mồ hôi; tê buồn chân tay; chân có cảm giác nặng; lo lắng bứt rứt; run tay; hồi hộp, tim đập nhanh; có khi buồn nôn và nôn.

Khi có một trong các triệu chứng trên ở một bệnh nhân đang điều trị tiểu đường thì phải nghĩ ngay đến cơn hạ đường huyết.

Xác định chắc chắn nhất là làm xét nghiệm ngay lập tức. Tuy nhiên đôi khi điều này không thực hiện được vì phải có máy đo đường huyết.

Người bị hạ đường huyết có thể sử dụng các chế phẩm có đường hoặc bột thì các triệu chứng trên sẽ giảm hoặc hết.

Mệt đột ngột không giải thích được; đau đầu, chóng mặt lả đi... là một trong những dấu hiệu của hạ đường huyết.
Mệt đột ngột không giải thích được; đau đầu, chóng mặt lả đi... là một trong những dấu hiệu của hạ đường huyết.

Các nguyên nhân gây hạ đường huyết hay gặp

Đối với người bệnh điều trị bằng insulin, hạ đường huyết có thể do nguyên nhân sau đây:

  • Quá liều insulin; insulin hấp thu quá nhanh hoặc quá kéo dài do: loạn dưỡng mỡ dưới da ở những vùng tiêm insulin lâu ngày; tiêm ở những vùng hoạt động nhiều (tay, chân...); chườm nóng sau khi tiêm insulin.
  • Sai lầm về chế độ ăn:
  1. Ăn quá chậm sau tiêm insulin.
  2. Ăn không đủ. Thiếu bữa ăn phụ.
  3. Bỏ bữa ăn, ăn quá ít mà vẫn tiêm insulin.
  • Hoạt động thể lực không thường xuyên.

Đối với người bệnh điều trị bằng thuốc viên (sulfamid), hạ đường huyết thường có các nguyên nhân sau:

  • Uống quá liều.
  • Uống thuốc xa bữa ăn chính. Không ăn nhưng vẫn uống thuốc.
  • Tự động uống thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ. Hoạt động thể lực quá sức.

Làm gì khi có biểu hiện hạ đường huyết?

Khi có các dấu hiệu hạ đường huyết như đã mô tả ở trên, người bệnh cần ngừng ngay các thuốc uống hạ đường huyết hoặc insulin.

  • Hạ đường huyết nhẹ thì dùng ngay bánh, hoa quả, sữa... hoặc bất cứ đồ ăn nào có sẵn trong nhà.

Nếu không đỡ hơn nhưng bệnh nhân vẫn tỉnh:

  • Cần uống tối thiểu 15g đường (3 miếng đường hoặc 3 thìa cà phê đường pha trong 100ml nước) hoặc 100-150ml nước ngọt (cocacola, nước hoa quả), 100g đường/lít nước.
  • Đối với trường hợp hạ đường huyết nặng: tiêm tĩnh mạch dung dịch ngọt ưu trương 20 – 30% (40 – 60ml), có thể nhắc lại nếu bệnh nhân chưa tỉnh. Khi tiêm cần tiêm rất chậm, liều sử dụng không quá 60ml, sau đó thay bằng truyền nhỏ giọt dung dịch ngọt 10-15%. Tiêm glucose tĩnh mạch đồng thời cũng là test chẩn đoán có giá trị lớn, các dấu hiệu hôn mê sẽ mất ngay tức thì. Cũng có thể tiêm glucagon (tiêm bắp hay tĩnh mạch cũng có tác dụng tương tự). Nếu được điều trị sớm, bệnh nhân có thể tự khỏi không để lại di chứng gì.

Nếu không đỡ, ngay lập tức phải đến các cơ sở y tế để điều trị.

Mỗi bệnh nhân cũng như người sống cùng trong nhà cần nắm vững được các dấu hiệu hạ đường huyết để tự phát hiện sớm.
Mỗi bệnh nhân cũng như người sống cùng trong nhà cần nắm vững được các dấu hiệu hạ đường huyết để tự phát hiện sớm.

Làm thế nào để dự phòng hạ đường huyết?

Cần dự phòng lượng glucoza bột ở nhà để có sử dụng ngay bằng đường uống nếu thấy bệnh nhân có dấu hiệu bị hạ đường huyết.

Mỗi bệnh nhân cũng như người sống cùng trong nhà cần nắm vững được các dấu hiệu hạ đường huyết để tự phát hiện sớm. Khi có các dấu hiệu hạ đường huyết phải thử máu ngay, nếu có điều kiện (sử dụng các máy thử đường huyết, hoặc báo ngay cho các nhân viên y tế để kiểm tra đường huyết).

Thường xuyên đến khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa nội tiết đái tháo đường để kiểm tra đường huyết, tuân thủ các chỉ định của thầy thuốc.

Không tự ý phối hợp các thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Phải coi trọng vai trò của 3 yếu tố: ăn uống, luyện tập hợp lý và thuốc men như nhau trong quá trình điều trị.

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh hạ đường huyết?

Đối với hạ đường huyết, phòng bệnh thì hơn chữa bệnh. Bạn có thể kiểm soát tình trạng bệnh của mình nếu bạn lưu ý vài điều sau:

  • Ăn uống điều độ, cân bằng các bữa ăn với lượng carbohydrate mà bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng chấp nhận. Ăn đủ lượng carbohydrate trước khi tập thể dục và ăn nhẹ trong lúc tập thể dục nếu cần thiết.
  • Ăn các bữa ăn nhẹ ngay khi lượng đường quá thấp hoặc khi gặp các triệu chứng của bệnh.
    Hướng dẫn những người bạn sống hoặc làm việc chung rằng bạn mắc bệnh tiểu đường và cách tiêm glucagon nếu bạn bất tỉnh.
  • Kiểm tra lượng đường huyết dựa trên lịch mà bác sĩ yêu cầu.
  • Không phớt lờ những triệu chứng của bệnh hạ đường huyết hoặc trì hoãn việc điều trị bệnh hạ đường huyết vì bệnh có thể dẫn đến hôn mê và tổn thương não.
  • Không nản lòng nếu bạn mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 và mất thời gian điều chỉnh lượng insulin để được phép tập thể dục.
  • Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe của bạn.
  • Nghe theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc tự ý bỏ thuốc trong toa được kê cho bạn.
Cập nhật: 08/11/2018 Theo Báo Sức khỏe và Đời sống, TTO, diabetna
  • 2,69
  • 32.851