Cận cảnh những "quái vật" siêu bão ngoài hành tinh

  •   54
  • 5.205

Có những siêu bão ngoài hành tinh có thể nuốt chửng... một vài Trái đất hoặc bao phủ toàn bộ thiên thể nó ngự trị.

Cùng điểm mặt một số siêu bão đang hoành hành trên các "hàng xóm" của Trái đất mà Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) ghi nhận được:

1. Siêu bão lục giác trên sao Thổ

Hình ảnh được NASA công bố đầu tháng 9-2018, do tàu vũ trụ Cassini gửi về cho thấy một siêu bão có mắt lớn gấp 50 lần so với một mắt bão trung bình Trái đất, đang hoành hành ở cực Bắc của hành tinh.

Cơn bão chính quay ngược chiều kim đồng hồ, trong khi một số lốc xoáy nhỏ lại quay theo chiều kim đồng hồ, tạo nên một siêu bão vô cùng hỗn loạn. Theo NASA, siêu bão này có thể kéo dài hàng thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ.

Bão lục giác trên sao Thổ
Bão lục giác trên sao Thổ - (ảnh: NASA).

2. Siêu bão địa ngục và siêu bão Great Red Spot của sao Mộc

"Siêu bão địa ngục" là một siêu bão vừa được NASA công bố hình ảnh hồi tháng 4/2018, nằm ở cực Bắc của hành tinh. Đây là cơn bão hỗn loạn rộng đến 4.000km và được bao quanh bởi 8 lốc xoáy khác nhau có đường kính từ 4.000-4.700km.

Siêu bão địa ngục
Siêu bão địa ngục - (ảnh: NASA)

Ngoài ra, sao Mộc còn bị khuấy động liên tục bởi hàng loạt các siêu bão khác, có lúc nối tiếp nhau như chuỗi ngọc quanh hành tinh.

Nổi tiếng nhất là siêu bão Great Red Spot đã hoành hành khoảng vài trăm năm. Trong phép đo đạc đầu tiên được con người thực hiện cuối thế kỷ 19, nó có đường kính 56.000km, đủ nuốt chửng vài Trái đất. Hiện nay, Great Red Spot đang suy yếu và lần đo cuối của NASA năm 2017 cho thấy nó còn khoảng 16.000 km, gấp 1,3 đường kính Trái đất.

Great Red Spot
Great Red Spot - (ảnh: NASA).

3. Siêu bão bụi phủ kín toàn bộ sao Hỏa

Năm 2018, một cơn bão bụi có kích thước… toàn hành tinh đã xảy ra trên sao Hỏa. Các ảnh chụp của NASA cho thấy cả sao Hỏa bị phủ một lớp mờ đục.

Sao Hỏa trước và sau khi bị bão bụi bao phủ
sao Hỏa trước và sau khi bị bão bụi bao phủ - (ảnh: NASA).

Chính cơn bão này đã khiến NASA mất liên lạc với chiến binh Mars Curiosity Rover do bão bụi che khuất ánh sáng mặt trời trong nhiều tháng ròng – nguồn năng lượng để robot này hoạt động. Rất may những tháng cuối năm nay bão dần tan và NASA đã liên lạc lại được với Mars Curiosity Rover.

Bão bụi dần bao phủ hành tinh
Bão bụi dần bao phủ hành tinh - (ảnh: NASA).

4. Bão siêu tốc Great Dark Spot trên sao Hải Vương

Đây là một cơn bão siêu tốc, trông khá giống với Great Red Spot của sao Mộc nhưng thay vì tồn tại liên tục hàng thế kỷ thì cứ hình thành rồi tiêu tan đi mỗi vài năm. Các thông tin về cơn bão siêu tốc này còn khá ít ỏi bởi sau lần tiếp cận gần năm 1989, tàu Voyager 2 của NASA đã tiếp tục lên đường đến nơi xa hơn (hiện nay tàu này đã ra đến rìa Hệ Mặt trời).

Vết tròn mờ tối giữa hành tinh chính là cơn bão siêu tốc to bằng trái đất
Vết tròn mờ tối giữa hành tinh chính là cơn bão siêu tốc to bằng Trái đất - (ảnh: NASA).

Các dữ liệu sau đó được thu thập bởi Kính viễn vọng không gian Hubble. Theo quan sát của Hubble, một nửa thời gian trên Hải Vương tinh có sự hiện diện của siêu bão nói trên. Siêu bão này có kích thước cỡ... 1 Trái đất.

5. Siêu bão bụi trên Titan

Titan là mặt trăng của sao Thổ, từng được NASA mệnh danh là "Trái đất ngoài hành tinh". Cuối tháng 9 vừa qua, một công trình trên tạp chí khoa học Nature Geoscience cho thấy thiên thể này cũng có siêu bão bụi như sao Hỏa và nó đã nuốt chửng gần hết mặt trăng này.

Titan trong bão bụi
Titan trong bão bụi - (ảnh: NASA).

Đây là thiên thể thứ 3 trong Hệ Mặt trời được phát hiện có bão bụi. Hai thiên thể còn lại là Trái đất và sao Hỏa

Cập nhật: 07/01/2019 Theo NLĐ
  • 54
  • 5.205