Cây nhiên liệu sinh học có nguy cơ trở thành loài cây xâm lấn

  •  
  • 544
Những nước vội vàng phát triển nhiên liệu sinh học có nguy cơ trồng phải các loài cây xâm lấn, điều này có thể dẫn đến một sự tàn phá về môi trường và kinh tế, theo các nhà sinh học cảnh báo.

Trong một báo cáo được công bố tại Hội nghị của Liên hiệp quốc về đa dạng sinh học, một liên minh gồm bốn nhóm chuyên gia đã kêu gọi các Chính phủ nên lựa chọn các chủng loài cây có nguy cơ thấp để làm nhiên liệu sinh học và nên áp dụng các biện pháp kiểm soát mới để quản lý loại cây trồng xâm lấn.

“Mối nguy hiểm mà các loài cây xâm lấn gây ra cho thế giới rất nghiêm trọng”, Sarah Simons, Giám đốc điều hành Chương trình các Loài Xâm lấn Toàn cầu (GISP) phát biểu. “Chúng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây thất thoát các loài toàn cầu, chúng có thể đe dọa đến phương kế sinh nhai và sức khỏe con người và sẽ làm cho chúng ta phải mất tiền tỷ chi tiêu cho các nỗ lực kiểm soát và giảm nhẹ. Chúng ta không thể cứ đứng nhìn và không làm gì cả”.


Báo cáo “Cây nhiên liệu sinh học và các loài xâm lấn tự nhiên: Giảm nhẹ nguy cơ xâm lấn” đã chú trọng đặc biệt vào loại cây sậy sáo (Arundo donax), một loài cây tự nhiên thuộc vùng Tây Á đang trở nên xâm lấn tại nhiều nơi thuộc Bắc và Trung Mỹ.

Được coi là một loại cây nhiên liệu sinh học, cây sậy vốn rất dễ cháy và như vậy làm tăng khả năng cháy rừng. Loại cây này rất ưa nước, tiêu thụ hết 2.000 lít (500 gallon) nước để tăng trưởng một mét (3,25 foot) chiều cao, điều này làm tăng áp lực ở các vùng khô hạn.

Một vấn đề khác về cây trồng đó là cây cọ châu Phi (Elaeis guineensis Jacquin) cũng được trồng để làm nhiên liệu sinh học. Tại nhiều nơi ở Braxin, việc trồng cây này đã làm cho nhiều diện tích rừng với tính đa dạng sinh học hỗn hợp trở thành những nơi trồng cọ một lớp đồng nhất, theo GISP viết.

GISP là sự hợp tác bao gồm Liên đoàn Bảo tồn Tự nhiên Quốc tế (IUCN); CABI nguyên là Cục Nông nghiệp Khối thịnh vượng chung; Viện Đa dạng Sinh học Quốc gia Nam Phi (SANBI) và Tổ chức bảo vệ Rừng tự nhiên (Nature Conservancy).

Theo các số liệu do GISP dẫn chứng, các loài xâm lấn khiến cho thế giới tiêu tốn hết 1,4 nghìn tỷ đôla mỗi năm, tương đương 5% độ lớn nền kinh tế toàn cầu. Riêng nước Mỹ chi hết 120 tỷ USD hàng năm để khắc phục hơn 800 loại côn trùng xâm lấn.

Bản báo cáo đã được công bố tại Hội nghị Công ước Đa dạng sinh học (CBD) Liên hiệp quốc vốn được thành lập tại Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất Rio de Janeiro vào năm 1992. 
(Theo AFP, VISTA-NACESTI)
  • 544