Cây thảo dược ngụy trang để trốn người hái

  •   23
  • 2.734

Cây bối mẫu dùng để chữa ho, phát triển khả năng ngụy trang giống màu đất đá xung quanh nhằm tránh bị người hái.

Cây bối mẫu rất dễ tìm bởi loài cây xanh tươi này thường mọc đơn độc giữa sỏi đá trên đỉnh dãy Himalaya và dãy Hoành Đoạn ở tây nam Trung Quốc nên rất dễ hái với những người thu hái thảo dược Đông y. Họ thường đào củ cây bối mẫu dại để điều chế một loại bột trị ho được sử dụng phổ biến trong hơn 2.000 năm qua. Nhu cầu dùng củ cây bối mẫu rất lớn bởi cần tới 3.500 củ để sản xuất một kilogram bột trị giá khoảng 480 USD.

Cây bối mẫu ở nơi ít bị thu hoạch (trái) và nơi có áp lực thu hoạch lớn.
Cây bối mẫu ở nơi ít bị thu hoạch (trái) và nơi có áp lực thu hoạch lớn. (Ảnh: Yang Niu).

Nhưng một số loài bối mẫu đặc biệt khó tìm, với lá và gốc hầu như không thể phân biệt giữa lớp đất đá màu xám hoặc nâu. Loài cây này đã tiến hóa khả năng ngụy trang để đối phó với con người. Cây bối mẫu Fritillaria delavayi trong vùng trải qua áp lực thu hái lớn hơn nên ngụy trang kỹ hơn những cây ở vùng ít người thu hái, theo nghiên cứu công bố hôm 20/11 trên tạp chí Current Biology.

Thực vật ngụy trang rất hiếm gặp nhưng không phải không tồn tại, theo Yang Niu, nhà nghiên cứu ở Viện thực vật Côn Minh, Trung Quốc, cho biết. Ở các khu vực trống trải ít vật che phủ như đỉnh núi, hòa lẫn vào môi trường có thể giúp thực vật tránh những động vật ăn cỏ. Nhưng sau 5 năm nghiên cứu sự ngụy trang ở cây bối mẫu, Niu nhận thấy trên lá cây có rất ít vết cắn. Ông cũng không phát hiện bất kỳ động vật nào ăn loài cây này. Chúng dường như không có kẻ thù trong tự nhiên. Do đó, Niu, đồng nghiệp Hang Sun và nhà sinh thái học Martin Stevens ở Đại học Exeter tại Anh quyết định tìm hiểu liệu có phải con người thúc đẩy cây bối mẫu tiến hóa khả năng ngụy trang hay không. Nếu đúng vậy, cây mọc ở khu vực càng bị thu hái nhiều càng ngụy trang kỹ hơn.

Để đo áp lực thu hái, các nhà nghiên cứu cần tính chính xác có bao nhiêu cây được thu hái trong hàng trăm năm tại nhiều địa điểm, nhưng dữ liệu đó không tồn tại. Tuy nhiên, tại 7 khu vực nghiên cứu, những người bán thảo dược ở địa phương ghi lại tổng trọng lượng củ cây thu hoạch mỗi năm từ năm 2014 đến 2019. Ghi chép đó cung cấp phép đo về áp lực thu hoạch tạm thời. Để ước tính chuẩn xác hơn, nhóm nghiên cứu đánh giá mức độ thu hoạch dễ dàng bằng cách ghi chép việc đào củ cây ở 6 địa điểm mất bao lâu. Ở một số sườn dốc, củ cây rất dễ đào, trong khi ở nhiều nơi khác, củ cây nằm dưới hàng đống đá. Theo Stevens, những vùng dễ thu hoạch sẽ trải qua áp lực lớn hơn.

Theo kết quả nghiên cứu, ở địa điểm càng bị thu hoạch nhiều, màu sắc của cây càng giống nền đất, đo bằng quang phổ kế. Trong một thí nghiệm, mắt người cũng khó phát hiện những cây ngụy trang. Việc ngụy trang cũng đi kèm một số khó khăn với cây. Động vật thụ phấn sẽ khó tìm ra các cây ngụy trang, đồng thời màu xám và nâu cũng có thể ảnh hưởng tới hoạt động quang hợp.

Ở các vùng khó tiếp cận, ít có con người xuất hiện, cây vẫn giữ màu xanh và vàng sáng. Tuy nhiên, ở những nơi cây bị thu hái với số lượng lớn, màu sắc dần trở nên tối hơn. Delavayi là giống Fritillaria duy nhất sống ở độ cao lớn.

Các nhà khoa học thậm chí còn tạo ra một trò chơi có tên "Tìm cây", để xem những cây ngụy trang dễ bị tìm thấy đến mức nào. Khi một tình nguyện viên được yêu cầu tìm Fritillaria delavayi giữa đất đá, họ tốn nhiều thời gian để xác định cá thể có màu sắc ít sặc sỡ hơn.

Màu sắc hòa lẫn với môi trường giúp tăng khả năng sống sót cho cây.
Màu sắc hòa lẫn với môi trường giúp tăng khả năng sống sót cho cây. (Ảnh: Sciencenews).

"Đây là một phát hiện thú vị và mang tính đột phá", Matthew Rubin, nhà sinh vật học tiến hóa tại Trung tâm Khoa học Thực vật Danforth (Missouri, Mỹ) - người không tham gia nghiên cứu này, đánh giá.

"Chúng ta đã biết rằng hàng nghìn năm qua, con người đã thay đổi hình dạng cây trồng bằng quá trình thuần hóa, khi ta lai tạo cây trồng làm thực phẩm. Đây là một ví dụ điển hình cho chọn lọc tự nhiên chịu tác động từ con người, ghi lại sự thay đổi và tìm ra mối liên hệ giữa thay đổi đó và áp lực từ con người, trong trường hợp này là việc thu hái" - ông Rubin nói thêm.

Trong khi việc con người gián tiếp thúc đẩy sự thích nghi của thực vật là khá phổ biến - ví dụ như thay đổi môi trường sống và từ đó gây ra biến đổi, điều này cho thấy mối liên hệ trực tiếp và hiếm gặp giữa con người với thực vật.

Jill Anderson, nhà sinh vật học tại Đại học Georgia (Mỹ), cho biết kết luận của nghiên cứu nói trên là "giả thuyết hấp dẫn", nhưng để có thể tin con người là nguyên nhân gây ra việc ngụy trang này, cô cần thêm bằng chứng.

Trong khi tác giả nghiên cứu loại trừ các loài ăn cỏ như bò yak là nguyên nhân phía sau sự tiến hóa của cây, bà Anderson đặt ra câu hỏi rằng liệu những thay đổi về khí hậu, như tia UV mạnh hơn ở độ cao lớn, có thể đã thay đổi màu sắc của cây hay không.

"Rõ ràng có những nhân tố khác góp phần tạo ra thay đổi này - thời tiết, độ cao, hay một loài ăn cỏ mà họ không bắt gặp. Nhưng mối liên hệ giữa việc thu hái và màu sắc khá mạnh mẽ, quần thể chịu áp lực thu hái lớn có màu gần với màu môi trường xung quanh nhất" - ông Rubin chia sẻ.

Cập nhật: 24/02/2021 Theo VnExpress/Zing
  • 23
  • 2.734