Chúng ta đang ăn thực phẩm biến đổi gene mà không biết

  •  
  • 3.216

Hầu hết các mẫu thức ăn chăn nuôi trên thị trường Việt Nam hiện đều chứa sản phẩm biến đổi gene (như ngô và đậu tương) với một tỷ lệ nào đó, theo điều tra mới đây của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Phần lớn chúng được nhập chính thức qua các công ty liên doanh với nước ngoài, và chưa được kiểm soát. 

Từ tháng 8/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gene, sản phẩm, hàng hoá có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gen. Theo đó, cho phép nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh sinh vật biến đổi gene hoặc sản phẩm của chúng đã được cấp giấy chứng nhận an toàn, song trên nhãn phải ghi rõ: "Sản phẩm có sử dụng công nghệ chuyển gene”. Nhưng đến nay, do thiếu văn bản hướng dẫn thực hiện nên quy chế trên vẫn chưa thực sự phát huy tác dụng.

Nhiều loại lương thực như ngô, lúa đã được biến đổi gene để cho đặc tính ưu việt
Nhiều loại lương thực như ngô, lúa đã được biến đổi gene để cho đặc tính ưu việt. (Ảnh: usep.edu)
Sau điều tra trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nhận định, rất có thể một số thực phẩm chế biến từ đậu tương, ngô, cải dầu... đang được lưu hành trên thị trường có chứa sản phẩm biến đổi gene mà ngoài nhãn mác không hề ghi rõ.

Điều đáng nói là đến tận bây giờ, các nhà khoa học nước ta vẫn chưa thống nhất được về tính an toàn của các sinh vật chuyển gene.

Tại hội thảo Thực phẩm biến đổi gen diễn ra ngày 15/9 tại Hà Nội, Phó giáo sư Trần Đáng, Cục trưởng Vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ Y tế, cho biết, hiện ở nước ta, chuyển nạp gene vào cây trồng mới chỉ ở bước nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và đạt được một số thành công bước đầu, nhưng chưa đưa ra sản xuất đại trà. Tuy nhiên, các cây trồng và sản phẩm biến đổi gene đã được nhập bằng con đường chính thức hoặc không chính thức và vẫn chưa được quản lý hay thông báo công khai. Ông Đáng cho rằng bên cạnh những lợi ích cơ bản của cây chuyển gene, loại thực phẩm này - theo nhiều nhà khoa học thế giới - tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe cộng đồng, như khả năng gây dị ứng, làm nhờn kháng sinh, có thể tạo ra độc tố và gây độc lâu dài cho cơ thể... 

Ở Việt Nam hiện nay, 3 cây trồng biến đổi gene đang tồn tại là lúa, ngô và bông. Trong đó, theo ông Đáng, rất nguy hiểm là một số mẫu ngô biến đổi gene được trồng xen lẫn với cây ngô bình thường đã tạo ra hiện tượng trội gene. Một số công ty nước ngoài thông qua trung gian đã đưa trực tiếp các giống ngô mới này cho nông dân trồng và nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Người dân tại Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đang trồng bông biến đổi gene một cách tự phát. Một số công ty tại đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Nghệ An đã nhập giống lúa biến đổi gene từ biên giới về bán lại cho các hộ nông dân gieo trồng.

Tuy nhiên, tiến sĩ Lê Đình Lương, Chủ nhiệm bộ môn di truyền học, Đại học quốc gia Hà Nội lại khẳng định, nhiều tổ chức khoa học quốc tế đã nghiên cứu và đưa ra kết luận rằng sử dụng thực phẩm có nguồn gốc từ ADN tái tổ hợp (chuyển gene) là an toàn. Ông Lương cho biết thêm, hiện nay, hàng chục phòng thí nghiệm trong nước có thể dễ dàng phát hiện thành phần biến đổi gene trong thực phẩm. Nhưng việc đánh giá độ an toàn của từng sản phẩm thì nằm ngoài khả năng không chỉ với nước ta mà kể cả nước phát triển nhất trong công nghệ này là Mỹ. Vì thế, chúng ta có thể dùng luôn hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm đã có để đánh giá độ an toàn của thực phẩm biến đổi gene.

"Theo tôi, điều quan trọng không phải là ghi một dòng chữ bé tẹo trên nhãn: đây là sản phẩm có sử dụng công nghệ biến đổi gen hay có thành phần A, B, C nào đó đã được biến đổi gen để bắt người dân, vốn không hiểu nhiều về điều này phải tự lựa chọn. Các nhà khoa học cần kiểm nghiệm độ an toàn của nó trước khi đưa đến tay người dùng", ông Lương nói.

"Không thể nói sản phẩm biến đổi gene có ảnh hưởng tới con người, vì hằng ngày, chúng ta vẫn ăn đủ loại thức ăn, sống, chín, chứa rất nhiều loại gene, những gene này không hề bị hỏng đi qua quá trình chế biến, nhưng cũng không "chuyển" sang chúng ta", ông Bình nói. 

Còn PGS Lê Trần Bình, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học, Chủ nhiệm đề tài tạo cây trồng biến đổi gene quốc gia, thì lập luận rằng không có lý do gì để chúng ta bỏ qua cơ hội này.

"Việc phát triển thực phẩm biến đổi gene cũng giống như việc đi máy bay, biết rõ là sẽ có rủi ro là máy bay có thể gặp tai nạn, nhưng chúng ta không thể không đi mà chỉ có cách chuẩn bị tốt nhất để đảm bảo cho chuyến bay an toàn", ông Bình nói.

Cũng theo ông, trước mắt, nước ta nên áp dụng công nghệ biến đổi gene trên các loại cây không phải để lấy thực phẩm như cây lâm nghiệp, hoa, cây công nghiệp...

Ý kiến của ông Bình được đa số các nhà khoa học đồng tình.

Trong khi tính an toàn của sản phẩm biến đổi gene còn chưa rõ ràng, thì quản lý chặt chẽ được xem là một giải pháp. Ông Trần Đáng cho rằng Chính phủ cần ban hành quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm riêng cho thực phẩm chuyển gene, xây dựng phòng xét nghiệm phân tích nguy cơ của loại thực phẩm này. Song song với đó là tuyên truyền giáo dục, kiểm soát thực phẩm biến đổi gene nhập khẩu, thanh tra, giám sát... Tuy nhiên, theo tiến sĩ Lê Đình Lương, "nếu có dùng một nửa tổng sản phẩm quốc dân thì cũng không đủ để xây dựng hệ thống kiểm soát mà ông Đáng nêu ra".

Minh Thuỳ

Theo Vnexpress
  • 3.216