Chuyên gia Nhật Bản tính đến phương pháp trong mùa mưa bão, khi xả nước hồ Tây không để cuốn để trôi kết quả thí điểm làm sạch sông Tô Lịch.
Theo dự kiến, sau 2 tháng, công ty CP Cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) sẽ báo cáo Thủ tướng, UBND TP Hà Nội về dự án thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc hồ Tây bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản.
Tuy nhiên, việc xả hơn 1 triệu m3 nước từ hồ Tây ra sông Tô Lịch đã khiến kết quả bị ảnh hưởng, JVE phải xin thí điểm thêm 2 tháng nữa.
Sau khi hoãn công bố kết quả, hôm qua, JVE có buổi gặp gỡ báo chí bên hồ Tây để thông tin về kế hoạch thí điểm sắp tới, các giải pháp để những lần xả nước, mưa bão sắp tới không làm ảnh hưởng đến sông Tô Lịch.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT JVE xác nhận ông không trực tiếp nhận được thông báo xả nước.
Nhân viên kỹ thuật JVE có nhận được thông báo xả nước vào khoảng 9h30 ngày 9/7, ngay sau đó khoảng 10-15 phút, công ty Thoát nước Hà Nội đã tiến hành xả nước.
Xả 1,5 triệu m3 nước hồ Tây vào sông Tô Lịch, chuyên gia Nhật không kịp ứng phó.
Theo ông Tuấn Anh, khi nhận được thông báo xả nước, cả chuyên gia Nhật và JVE đều bị động, đơn vị thí điểm không thể nào trong 10-15 phút có thể ứng phó.
1,5 triệu m3/ngày đêm như trong đợt xả vừa rồi là gấp 10 lần lượng nước chảy vào từ 280 cống xả chảy vào dọc sông Tô Lịch. Lượng nước này lại không chảy qua 280 cống mà lại chỉ chảy vào 1 cống ở đầu nguồn sông, vượt quá tính toán ban đầu của chuyên gia Nhật Bản.
Chuyên gia Nhật đã tính toán từ đầu dù mưa to chăng nữa, dòng chảy đầu nguồn cũng không lớn đến mức như việc xả trực tiếp 1,5 triệu m3 nước vừa rồi.
Tiến sĩ Takeba Akira, cố vấn tổ chức Xúc tiến thương mại - môi trường Nhật Bản đánh giá: "Việc nước hồ Tây cuốn trôi vi sinh vật có lợi do các tấm Bioreactor kích hoạt, chúng tôi không quy trách nhiệm cho đơn vị nào cả, đây là sự việc khách quan nên chúng tôi đang cố gắng khắc phục sự cố".
Tiến sĩ Takeba Akira.
Về các dự án làm sạch sông Tô Lịch đang được triển khai, chuyên gia Nhật cũng cho rằng bài toán làm sạch dòng sông không đơn giản là việc xả nước hồ Tây hay làm sạch bằng công nghệ Nhật Bản.
Theo ông, dòng sông phải có nước cấp đầu vào, mà hiện nay sông Tô Lịch dựa hoàn toàn vào nước thải chảy từ 280 cống xả. Bởi vậy, nên làm sạch bên trong dòng sông trước rồi sau đó mới cho xả nước vào, vừa tăng lưu lượng nước vừa tạo dòng chảy cho sông. Khi đó các sinh vật có lợi được tạo ra bởi các máy nano sẽ được phân bổ từ đầu đến cuối nguồn.
"2 giải pháp của công ty thoát nước và chuyên gia Nhật nếu kết hợp sẽ hồi sinh được sông Tô Lịch đúng nghĩa", ông Tuấn Anh cho biết thêm.
Sông Tô Lịch tiến hành thí điểm thêm 2 tháng nữa.
Chuyên gia Nhật đã xây dựng các phương án để làm sao các tấm Bioreactor đặt trong lòng sông vẫn kích hoạt vi sinh vật và giữ được các vinh sinh vật này, dù có xả nước hồ Tây hay xả mạnh hơn thì sẽ không bị cuốn trôi kết quả.
Chuyên gia Nhật Bản cho biết: "Các giá thể đang thử nghiệm ở sông Tô Lịch giống như các tòa chung cư, các vi sinh vật cũng giống như con người sống trong tòa chung cư đó. Sắp tới, chúng tôi sẽ áp dụng các biện pháp sinh học để tòa chung cư đó không bị cuốn trôi khi nước lũ về".
Các tấm giá thể được áp dụng công nghệ sinh học sẽ giúp bảo vệ, không cho nước cuốn trôi các vi sinh vật có lợi khi xả nước.
Về chi phí vận hành, chuyên gia Nhật khẳng định dự án này ngay từ đầu được Nhật Bản tài trợ 100% nên dù kéo dài 2 tháng thì Nhật Bản vẫn tiếp tục tài trợ, phía Việt Nam không phải bỏ ra bất kì chi phí nào.
Nhật Bản vẫn tài trợ, thí điểm miễn phí hoàn toàn dự án làm sạch sông Tô Lịch.