Nếu như trước đây phụ huynh chỉ biết con mình trốn học khi nhận được giấy mời của nhà trường, chỉ biết điểm kiểm tra của con qua cuộc họp phụ huynh học sinh (PHHS)...
|
Phụ huynh tìm hiểu kết quả học tập của con em qua điện thoại và Internet. Ảnh: T.T.D |
Bây giờ, PHHS chỉ cần bấm một cú điện thoại, thậm chí chẳng cần phải gọi cũng được nhà trường thông báo chi tiết. Quả là thời số hóa, PHHS được phục vụ chu đáovà mọi lúc mọi nơi...
Quản lý từ xa... Có cậu con một chuẩn bị vượt vũ môn, chị Tâm (nhà ở đường Trần Văn Đang, quận 3, TP.HCM) không khỏi lo lắng. Ngay từ sau tết, chị đã gọi điện thoại đến báo Tuổi Trẻ để được tư vấn chọn trường, chọn ngành cho con. Những câu hỏi của bà mẹ này dường như bất tận... cho đến lúc chị cảm thấy ngại khi chuẩn bị nhấc điện thoại. Nhưng không hỏi thì không yên.
Chị kể: "
Khi thấy tổng đài 19001733 tư vấn tuyển sinh ra đời, tôi bấm thử và cảm thấy nhẹ cả người. Trường nào, ngành gì, được đào tạo ra sao, ra trường làm gì... đều có đủ cả. Một người tư vấn trực tiếp khó nói đầy đủ hơn vậy".
Ra đời ngay cao điểm của đợt làm hồ sơ tuyển sinh đại học năm nay, kênh thông tin tư vấn tuyển sinh đại học "
Học gì? Ra trường làm ở đâu?” đã giải tỏa một cách đáng kể những băn khoăn, thắc mắc của thí sinh trước mùa tuyển sinh ĐH, CĐ. Vì vậy mà mỗi ngày tổng đài 19001733 nhận được 3.000 - 4.000 cuộc gọi tư vấn.
Tuy nhiên, nhạy bén trong lĩnh vực "thông tin giáo dục qua điện thoại" phải kể đến Bưu điện TP.HCM. Năm 2001, tổng đài 1086 được Bưu điện TP thành lập với ý tưởng thông báo chuyện học hành hằng ngày của HS, hạnh kiểm, điểm số, thông báo của trường, thậm chí cả nhận xét của giáo viên chủ nhiệm.
Vào lúc cao điểm những năm 2003 - 2004 có đến 50 - 60 trường THCS, THPT tham gia cho thấy kênh thông tin này đã được PHHS khá ủng hộ, nhất là PH ở những trường, lớp bán công. Sau giờ vào học vài tiếng, từ cơ quan, PHHS gọi vào dịch vụ 1086 là đã có thể an tâm biết rằng cậu quí tử của mình đang yên vị làm học trò ngoan trong lớp học hay đang lêu lổng bên ngoài.
Trong khi đó, với lợi thế đơn vị chủ quản, quản lý toàn bộ HS TP.HCM theo mã số cố định trong suốt cấp học, lại sở hữu Trung tâm Thông tin và chương trình giáo dục, Sở GD - ĐT dự kiến giữa tháng tư này sẽ đưa vào thử nghiệm dịch vụ "SMS học đường". Phương thức cung cấp thông tin cho PHHS cũng hấp dẫn hơn.
Nhà trường sẽ cung cấp thông tin về chuyên cần, điểm số (từ kiểm tra một tiết trở lên), kết quả xếp loại cuối năm, hạnh kiểm HS và điểm thi tốt nghiệp, tuyển sinh... theo mật mã do trung tâm này thiết kế.
Trung tâm tổng hợp xử lý dữ liệu thô và chuyển sang hệ thống server liên kết với các mạng điện thoại MobiFone, Vinaphone, Viettel. PHHS có nhu cầu đăng ký dịch vụ, nếu có thông tin liên quan đến con mình (hôm đó HS nghỉ học có phép hoặc không phép, điểm hằng tháng, học kỳ...), PHHS sẽ nhận được thông qua tin nhắn điện thoại di động.
Nở rộ dịch vụ báo điểm Nếu như thông tin về chuyên cần, học tập hằng tháng của HS phải thực hiện công phu và không phải PHHS nào cũng muốn tham gia thì dịch vụ xem kết quả các kỳ thi tốt nghiệp, tuyển sinh vào ĐH, CĐ, trung học chuyên nghiệp... tuy đơn giản nhưng lại "đắt hàng" vì tính thực dụng và hiệu quả của nó. Có cầu thì có cung.
Trước kia, lĩnh vực thông tin giáo dục trên điện thoại chỉ có bưu điện độc quyền (thậm chí Bưu điện TP còn cung cấp cả kết quả các kỳ thi nghề, thi ngoại ngữ, tin học, xét tuyển lớp 6...) thì nay thị phần này san sẻ khá nhiều. Năm trước, ngoài bưu điện còn có Đài truyền hình VN và báo Tuổi Trẻ với tổng đài 19001733, hệ thống nhắn tin 9...; 9...
Chưa kể hàng loạt các báo điện tử đến mùa cũng rộn ràng săn nóng thông tin kết quả thi phục vụ bạn đọc. Còn năm nay, theo ông Lê Thanh Liêm, trưởng Trung tâm khai thác dịch vụ Bưu điện TP.HCM, hiện đã có ba công ty TNHH thuê tổng đài của Trung tâm khai thác dịch vụ để báo điểm.
Có thể thấy, càng nhiều đơn vị tham gia dịch vụ thông tin giáo dục, PHHS càng có nhiều kênh thông tin hỗ trợ việc học tập của con em mình. Hiện tượng chen lấn xem điểm ở các trường cũng giảm đáng kể nhờ các dịch vụ báo điểm.
Tuy nhiên việc các công ty tư nhân tham gia tràn lan thiếu sự kiểm tra thông tin cũng ảnh hưởng không nhỏ đến PHHS nếu thông tin không chính xác. Ông Lê Thanh Liêm kể: "
Dù đã làm khá lâu nhưng chúng tôi vẫn gặp những trường hợp sai sót. Có lần trường cho thông tin HS "rớt", sau đó đính chính lại "đậu". Chúng tôi đã kịp thời chỉnh ngay nhưng PHHS vẫn gọi điện thoại đến mắng té tát và đòi kiện vì con bà có ý định tự tử. Dù không phải lỗi ở mình nhưng chúng tôi vẫn phải chịu trách nhiệm. Chúng tôi phải trả cước cuộc gọi, mua quà cử nhân viên đến xin lỗi, vị PHHS ấy mới nguôi. Chúng tôi là một đơn vị lớn nên phải giữ tiếng, còn các công ty tư nhân nhỏ có thể chịu trách nhiệm sai sót được không?".
K.LIÊN