Cổ Loa với nỏ muôn ngàn

  •  
  • 1.204

Những phát hiện về khảo cổ những mũi tên đồng Cổ Loa cho thấy nhiều điều thú vị về người Việt cổ.

Vòng chân nữ tướng

Vòng chân nữ tướng (Ảnh: TTO)

Đô thị Cổ Loa ngày xưa đã là kinh đô của nhiều triều đại: Từ An Dương Vương với tên nước là Âu Lạc (273 trước Công nguyên), đến Triệu Đà (206 trước Công nguyên), với quốc hiệu Đại Việt, rồi Ngô Quyền (933). Những vị vua này đã để lại trên sử VN những trang oai hùng, sáng tỏ ý chí quật cường tự chủ của dân tộc.

Cổ Loa còn thấm đượm mối tình oan trái của Trọng Thủy và Mỵ Châu, cùng chói lọi huyền thoại nỏ thần Kim Quy phản ánh một sức võ trang cường mạnh. Những huyền thoại ấy có phần phai nhạt đôi chút theo thời gian, nhưng gần đây lại được bật sáng nhờ sự khai quật của các nhà khảo cổ học, hàng ngàn mũi tên đồng Cổ Loa. Số lượng lớn những mũi tên này đã đặt ra nhiều câu hỏi từ vài mươi năm nay mà bây giờ mới giải đáp được vài phần trong muôn một.

Nguồn gốc những mũi tên đồng Cổ Loa

Khi phân tích, bằng những phương pháp vật lý hiện đại, những mũi tên cùng những hiện vật lưu trữ ở Viện Khảo cổ Hà Nội - tương tự như những cổ vật trên các hình ảnh chụp từ Bảo tàng Viện Lịch sử và Triển lãm tư nhân Vân - Hồ - nhờ sự ân cần của GS Hà Văn Tấn, thấy những mũi tên có chứa những thành phần kim loại tương tự như thành phần các trống đồng thời Đông Sơn, kể cả trống đồng Ngọc Lũ.

Lẫy nỏ Cổ Loa

Lẫy nỏ Cổ Loa (Ảnh: TTO)

Những nguyên tố chính tìm được là đồng, chì, thiếc. Nhất là không có kẽm. Những kết quả tương tự cũng tìm thấy trong những vòng chân nữ tướng đào được trong những vùng lân cận, khác hẳn với các gương đồng, phần nhiều chỉ chứa nhiều nguyên tố đồng.

Khi so sánh tỉ mỉ với kết quả phân tích nguyên tố kể cả các nguyên tố phụ mà thành phần bé hơn một phần trăm những mũi tên đồng với các hiện vật và quặng trong các vùng địa dư khác nhau thì thấy rằng tên đồng là những sản phẩm bản địa.

Kỹ thuật luyện kim các mũi tên đồng

Riêng trong các mũi tên đồng, còn tìm thấy nguyên tố sắt. Sự có mặt của sắt trong các mũi tên chứng tỏ rằng người Việt cổ đã biết luyện kim chứa một nguyên tố có nhiệt độ nóng chảy trên 1.500oC. Mục đích của họ chú ý làm cho có những mũi tên cứng mạnh, dễ xuyên sâu vào mục tiêu. Kỹ thuật luyện kim thời Việt cổ đã được thế giới chú ý từ một thế kỷ nay nếu chúng ta căn cứ trên những bài họ đăng trên các tạp chí chuyên môn.

Muôn ngàn mũi tên Cổ Loa

Muôn ngàn mũi tên Cổ Loa (Ảnh: TTO)

Kỹ thuật luyện kim tân tiến trong thời Việt cổ còn tìm thấy trong những chiếc dao găm nữ tướng mà các phương pháp phân tích vật lý đã tìm ra nguyên tố titan. Người Việt cổ có lẽ chưa biết đích xác nguyên tố này nhưng nghệ nhân luyện kim đã gặp biết quặng chứa nguyên tố gì đó mà hai mươi thế kỷ sau này gọi là titan, sẽ đem lại một hợp kim cứng và nhẹ, thích ứng cho bàn tay người nữ tướng.

Đứng trước sự kiện kỹ thuật ấy, chúng ta không thể nào không kính phục và ngưỡng mộ tư duy và trình độ kỹ thuật của các nghệ nhân luyện kim thời Việt cổ.

Phân đoàn tay nỏ trong binh lực

Số lượng lớn các mũi tên đồng tìm được lại cho phép chúng ta khẳng định rằng ở thời Việt cổ vùng Cổ Loa đã có một lực lượng quân sự được phân thành đoàn tiểu xạ gồm nhiều tay nỏ, nếu ta lại căn cứ trên những lẫy nỏ Cổ Loa mà các nhà khảo cổ học vừa tìm thấy gần đây.

Những lẫy nỏ này tinh vi và bé hơn những nỏ tìm thấy ở các vùng thượng du, nơi các đồng bào tộc Mường hay nhiều tộc khác cư trú. Thời đó ở Bắc phương người ta hay dùng cung trong lúc người tộc Việt hay dùng nỏ.

Gương đồng và dao găm nữ tướng

Gương đồng và dao găm nữ tướng (Ảnh: TTO)

Phải chăng những tay nỏ này rất thiện xạ, vì họ đã gây ra trong đối phương ấn tượng hãi hùng, như những nỏ thần, mà nỏ Kim Quy chỉ là một huyền tượng. 

Cách bắn nỏ tài ba đã tồn tại qua nhiều thế kỷ trong vùng Cổ Loa, có khi dùng trong quân đội chính triều, có khi trong những lực lượng đối lập, như ta đã biết, hơn mười thế kỷ sau An Dương Vương, vua Ngô Xương Văn - một trong hai vua anh em đồng kế vị Ngô Quyền, đã chết năm 965 sau Công nguyên, vì một mũi tên, cũng gần Cổ Loa, kinh đô thời ấy.

Những lẫy nỏ Cổ Loa tìm được cũng bằng hợp kim đồng. Khi bật - một lần lẫy chỉ phát một mũi tên. Tuy những lẫy nỏ này không phải từ nỏ của An Dương Vương nhưng cũng giúp làm sáng tỏ được huyền thoại nỏ thần. Cơ cấu đơn tiễn này làm nhẹ một phần nào tội lỗi của Mỵ Châu. Vận nước Âu Lạc tuy nổi chìm theo thời gian qua mối tình cay đắng của Mỵ Châu - Trọng Thủy, nhưng không làm quên được thực tế Cổ Loa đã là kinh đô của một nước có tổ chức lớn, có kỹ thuật cao, kể cả kỹ thuật quân sự, bao hàm thêm khía cạnh nhân bản và tình người.

Theo GS-TS PHẠM VĂN HƯỜNG

Người lao động, Tuổi trẻ
  • 1.204